Ngày 17-8, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức họp báo trực tuyến thông tin về kết quả Công đoàn chăm lo đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Nhiều chương trình chăm lo hiệu quả, thiết thực
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 16-8, có 29.910 CNVC-LĐ bị mắc Covid-19 trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố; 99.884 CNVC-LĐ là F1; 220.344 CNVC-LĐ là F2; 390.328 CNVC-LĐ nằm trong các khu vực phong tỏa hay cách ly y tế. Ngoài ra, có hơn 1,3 triệu NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Có 10.335 doanh nghiệp (DN) thực hiện phương án "3 tại chỗ" với hơn 930.000 NLĐ (riêng 20 tỉnh, TP phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 và 20 Công đoàn ngành là 10.071 DN với 905.315 lao động); có 1.013 DN với 84.034 công nhân (CN) vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất. Theo thống kê của các cấp Công đoàn, đến nay đã có hơn 1.066.000 đoàn viên, NLĐ/7.941 đơn vị, DN đã được tiêm vắc-xin, trong đó có 437.433 CN thuộc 921 DN.
Cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận 11 , TP HCM (bìa phải) hỗ trợ thực phẩm cho người lao động khó khăn .Ảnh: THANH NGA
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nước ta đang ở thời điểm rất cam go, ác liệt. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến việc làm, thu nhập, sức khỏe, đời sống của hàng triệu CNVC-LĐ cả nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động và kịp thời sát cánh cùng đoàn viên, NLĐ, đồng hành với Chính phủ, chia sẻ khó khăn với DN, tham gia duy trì, khôi phục sản xuất - kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; tuyên truyền, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm quyết định sử dụng tài chính Công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; miễn đóng đoàn phí Công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp; lùi đóng kinh phí với các DN gặp khó khăn. "Hàng vạn cán bộ Công đoàn các cấp ngày đêm bám trụ cơ sở để chăm lo, hỗ trợ cho CN ở các vùng dịch. Các cấp Công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho đoàn viên, NLĐ. Hàng chục ngàn suất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ Công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên, NLĐ" - ông Hiểu nói. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, NLĐ hiệu quả, như: "Tổ an toàn Covid-19," "Tổ cứu trợ khẩn cấp," "Siêu thị 0 đồng", "Xe buýt siêu thị 0 đồng", "Bếp ăn yêu thương", "Túi an sinh Công đoàn". Mỗi cán bộ Công đoàn chuyên trách đã đóng góp 3 ngày lương để ủng hộ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hơn 1.222 tỉ đồng chăm lo người lao động
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến nay, Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 1.222 tỉ đồng cho hơn 1 triệu lượt đoàn viên, NLĐ thụ hưởng.
Cụ thể, chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch: 494,984 tỉ đồng (trong đó nộp về Ủy ban MTTQ là 237,519 tỉ đồng; ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 là 257,464 tỉ đồng); chi từ nguồn xã hội hóa và người sử dụng lao động hỗ trợ qua Công đoàn tại cơ sở là 227,966 tỉ đồng. Trước những khó khăn của đoàn viên, NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kịp thời ban hành một số chính sách hỗ trợ như Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19-5-2021 về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, tạo chủ động cho LĐLĐ các tỉnh, TP, Công đoàn ngành trung ương trong việc xác định đối tượng và mức chi cụ thể cho từng trường hợp từ nguồn tài chính Công đoàn tích lũy tại chỗ, nên việc triển khai chính sách tới NLĐ rất kịp thời. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam còn ban hành Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ (ngày 6-8-2021) sửa đổi bổ sung Quyết định số 2606 để phù hợp những diễn biến mới của công tác phòng chống dịch với phương châm: đoàn viên,
CNVC-LĐ và cán bộ Công đoàn nơi tuyến đầu phòng chống dịch "không ai bị bỏ lại phía sau", đồng lòng thực hiện mục tiêu "kép" của Chính phủ; Quyết định số 3040/QĐ-TLĐ ngày 11-8-2021 về việc hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ tuyến đầu phòng chống dịch tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg với mức hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/người cho lực lượng y tế đang chống dịch tại 19 tỉnh, thành phía Nam; Công văn số 2475/TLĐ ngày 10-8-2021 về việc bổ sung đối tượng miễn đóng đoàn phí Công đoàn. Theo đó, bổ sung đối tượng là đoàn viên Công đoàn tại các đơn vị sự nghiệp, DN có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng - không phải đóng đoàn phí Công đoàn trong thời gian hưởng mức lương nêu trên. Thời gian thực hiện miễn đóng đoàn phí Công đoàn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 áp dụng từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-12-2021. Ngoài ra, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý để LĐLĐ TP HCM và LĐLĐ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An chi tổng cộng 61,5 tỉ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn tích lũy mua và cung cấp 410.000 suất hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn tại các khu cách ly, phong tỏa.
Số người lao động bị mất việc làm, khó khăn sẽ tăng
Theo dự báo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của đại dịch sẽ có nhiều DN bị ảnh hưởng tạm ngừng sản xuất, đóng cửa... dẫn đến sẽ có thêm nhiều NLĐ mất việc, giảm thu nhập, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn. Trước tình hình trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực phối hợp với chính quyền, chủ DN vẫn đang hoạt động trong "vùng xanh" tiếp tục phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh để bảo đảm việc làm cho NLĐ. Liên quan đến việc Công đoàn vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà cho NLĐ và chính sách hỗ trợ NLĐ tự rời nơi cư trú trở về quê, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết hiện các cấp Công đoàn đang tiếp tục vận động các chủ nhà trọ - nhất là tại các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương - để chung tay hỗ trợ CN. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ Công đoàn còn đến các khu nhà trọ để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho đoàn viên, NLĐ.
Đối với việc nhiều lao động mất việc và quyết định rời bỏ các địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16 để về quê, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc NLĐ tự phát trở về quê sẽ gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch, bởi trên thực tế đã có nhiều NLĐ tại các địa phương có dịch khi trở về quê đã là nguồn lây. "Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi "ai ở đâu thì ở đó". Tổ chức Công đoàn sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, DN hỗ trợ kịp thời" - ông Hiểu nói.
Nghiên cứu đề xuất của Công đoàn Y tế Việt Nam
Về đề xuất của Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chính sách lớn của nhà nước, do đó cần có thời gian nghiên cứu, làm rõ. Hiện nay, quy định về xét công nhận liệt sĩ được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9-12-2020. Bên cạnh đó, hiện nay ngoài lực lượng cán bộ, nhân viên y tế là lực lượng tuyến đầu chống dịch còn có các lực lượng khác tham gia, do đó việc xét công nhận liệt sĩ cho cán bộ, nhân viên y tế hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ cần được đặt trong mối tương quan với hy sinh của các lực lượng khác, theo quy định của pháp luật. "Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chỉ đạo các ban chuyên môn làm việc với các cơ quan chức năng, sau đó báo cáo với Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét. Nếu phù hợp và đúng các quy định thì Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ nghiên cứu kiến nghị với các cơ quan chức năng" - ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Trước đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam về phong danh hiệu liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi làm công tác chống dịch Covid-19, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), cho biết Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 đã quy định rõ điều kiện công nhận liệt sĩ. "Vấn đề hiện nay là Cục Người có công phải tiếp cận từng hồ sơ cụ thể. Chủ trương là sẽ xem xét những trường hợp cán bộ y tế tham gia chống dịch không may tử vong khi làm nhiệm vụ" - ông Lợi nói.
Bình luận (0)