Ngày đầu tiên trở thành đoàn viên có ý nghĩa đặc biệt với chị Nguyễn Cẩm Trinh - đoàn viên Nghiệp đoàn (NĐ) Rác dân lập quận Gò Vấp, TP HCM - bởi đây cũng là lần đầu tiên chị và nhiều người lao động (NLĐ) khác được tham dự Ngày hội "Vì lợi ích đoàn viên" do LĐLĐ quận tổ chức. Được thụ hưởng từ các hoạt động chăm lo thiết thực từ tổ chức Công đoàn (CĐ) như tặng bảo hiểm tai nạn, tặng quà, tham gia Phiên chợ 0 đồng…, chị Trinh đã hiểu hơn về vai trò của CĐ và không hề hối tiếc với quyết định của mình.
Tự hào là đoàn viên
Chia sẻ về mong muốn có tổ chức đại diện cho mình, chị Trinh cho biết thu gom rác là một nghề vất vả, khắc nghiệt. NLĐ làm việc bất kể nắng mưa để bảo đảm môi trường sạch đẹp, không rác. Không chỉ vậy, mỗi ngày, anh chị em thu gom rác phải làm việc hơn 9 giờ và không có ngày nghỉ, nhất là không có bất kỳ loại bảo hiểm nào. "Công việc cực nhọc nhưng chúng tôi chưa có tổ chức nào đại diện để chăm lo, bảo vệ quyền lợi. Vì vậy, tôi rất vui khi NĐ rác dân lập được thành lập và mong rằng NLĐ làm công việc thu gom rác sẽ được quan tâm, chăm lo nhiều hơn" - chị Trinh bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM - trao kinh phí hoạt động ban đầu cho nghiệp đoàn rác dân lập
Suy nghĩ của chị Trinh cũng chính là mong muốn của 28 đoàn viên NĐ. Theo sát quá trình vận động thành lập NĐ, ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho biết các thành viên rác dân lập hiện nay đều hoạt động độc lập, giữa các thành viên chưa có tổ chức đại diện và không có tư cách pháp nhân (chủ yếu hoạt động dưới sự giám sát của UBND 16 phường). Giờ giấc làm việc của NLĐ thu gom rác không cố định và thiệt thòi hơn cả là không ai đứng ra đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ. Do vậy, việc NĐ ra đời sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho việc tập hợp, bảo vệ quyền lợi cho người thu gom rác thông qua sinh hoạt NĐ, đoàn viên sẽ được trang bị các kiến thức về bảo hộ lao động tốt hơn cũng như tiếp thu các chính sách của nhà nước nhanh nhất". Đồng cảm với NLĐ đồng thời thể hiện sự quan tâm của tổ chức CĐ, ngay tại lễ ra mắt, LĐLĐ quận Gò Vấp đã hỗ trợ 5 triệu đồng để NĐ làm kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, LĐLĐ quận cũng tặng mỗi đoàn viên một thẻ bảo hiểm tai nạn và một phần quà.
NĐ Rác dân lập quận Phú Nhuận, TP HCM với 50 đoàn viên cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tại lễ ra mắt, ngoài hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu, LĐLĐ quận còn tặng mỗi đoàn viên một phần quà. Thay mặt đoàn viên, bà Phạm Thị Phúc, chủ tịch NĐ, bày tỏ xúc động: "Hôm nay là một ngày có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Tôi biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức CĐ và hứa sẽ tích cực phối hợp với các chủ nhóm rác dân lập chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên".
Theo ông Cao Văn Thăng, Chủ tịch LĐLĐ quận, việc ra mắt NĐ rác dân lập không chỉ để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thu gom rác dân lập mà còn giúp họ hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của đoàn viên CĐ, luôn nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng TP xanh - sạch - đẹp.
Chăm lo tốt hơn cho NLĐ
NĐ Giáo viên mầm non phường 7, quận 8, TP HCM cũng vừa ra mắt trong sự hân hoan của 39 đoàn viên. Đây là NĐ giáo viên mầm non thứ 2 được LĐLĐ quận 8 thành lập, cũng là hoạt động quan trọng trong Tháng Công nhân.
Nói về quá trình thành lập NĐ, bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận 8, cho biết đặc thù của quận 8 là lực lượng lao động nhập cư đông, nhu cầu gửi trẻ tại các nhóm trẻ tư thục lớn dẫn đến sự ra đời của nhiều nhóm trẻ mầm non tư thục. Lực lượng giáo viên mầm non tại các nhóm trẻ tư thục cũng tăng dần, công việc vất vả không khác gì tại các trường mầm non, tuy nhiên, giáo viên tại các nhóm trẻ lại thiệt thòi hơn về nhiều mặt. Chính vì vậy mà từ đầu, LĐLĐ quận xác định thành lập NĐ giáo viên mầm non tại các địa bàn có nhiều nhóm trẻ tư thục nhằm tập hợp và chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Từ kinh nghiệm thành lập NĐ giáo viên mầm non tại phường 16 trước đó, lần này, LĐLĐ quận đã chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận và UBND phường 7 ngay từ bước khảo sát ban đầu để thuận lợi hơn trong việc thuyết phục chủ các nhóm trẻ cũng như dễ dàng tiếp cận với NLĐ để vận động họ gia nhập. Từ đó có 39 giáo viên thuộc 10 nhóm trẻ tư thục đã tự nguyện làm đơn gia nhập NĐ. Bà Huỳnh Ngọc Bích Sơn (Lớp Mẫu giáo Minh Viên), chủ tịch NĐ, chia sẻ ngắn gọn: "Tôi mong rằng khi có NĐ, NLĐ sẽ được chăm lo tốt hơn, quyền lợi sẽ được bảo đảm hơn".
Trong không khí ấm cúng của lễ ra mắt, LĐLĐ quận đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho NĐ làm kinh phí hoạt động. Bên cạnh tập hợp giáo viên mầm non, mục tiêu sắp tới là tập hợp, vận động NLĐ làm việc tại các cơ sở, tổ hợp may gia công để thành lập NĐ nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này.
Bà LÊ THỊ KIM THÚY, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Đa dạng mô hình tập hợp người lao động
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, bất kỳ NLĐ ở lĩnh vực nào cũng cần có tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho mình. Yêu cầu này đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức CĐ Việt Nam nói chung và CĐ TP nói riêng trong việc tiếp cận và tập hợp NLĐ vào tổ chức. Do vậy, nỗ lực tập hợp NLĐ ở các lĩnh vực, ngành nghề vào các NĐ để từ đó bảo vệ, chăm lo tốt hơn cho họ đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo của các CĐ cấp trên cơ sở.
Tình nguyện gia nhập NĐ, mong muốn lớn nhất của NLĐ là được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. Để xứng đáng với kỳ vọng ấy, các cấp CĐ TP phải liên tục đổi mới hoạt động, trong đó trọng tâm chính là đa dạng hóa hình thức chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đoàn viên các NĐ. Thực hiện tốt điều này, các NĐ mới thực sự là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên.
Bình luận (0)