Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, 90% khẩu phần bữa ăn ca của NLĐ chưa bảo đảm nhu cầu tái tạo sức lao động. Nhiều doanh nghiệp (DN) lơ là trong khâu kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là khâu chế biến khiến chất lượng bữa ăn bị thả nổi, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc tập thể. Nhiều vụ ngừng việc tập thể đã xảy ra có nguyên nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn giữa ca không bảo đảm. Rõ ràng, việc giao khoán chất lượng bữa ăn giữa ca cho nhà thầu cung cấp suất ăn là minh chứng rõ nét sự vô tâm của DN đối với sức khỏe, đặc biệt là tính mạng của NLĐ. Trong khi đó, các quy định hiện hành chưa tính đến biện pháp xử lý, chế tài vấn đề này. Nhìn rõ thực trạng này, từ năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7c/NQ-BCH "Về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ". Với nỗ lực của các cấp Công đoàn (CĐ), giá trị bữa ăn giữa ca tại các DN tăng từ 15.000 đồng/người trở lên. Không chỉ cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca, nhiều DN còn tin tưởng giao CĐ cơ sở tổ chức bếp ăn tập thể nhằm ngăn ngừa từ gốc nguy cơ ngộ độc. Bà Trần Dy Lynh, Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM) - một trong những đơn vị quan tâm cải thiện bữa ăn giữa ca cho công nhân (CN), bày tỏ: "Bữa ăn bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp sức khỏe CN được cải thiện, từ đó nâng cao năng suất lao động. Do vậy, khi CĐ cơ sở đề nghị đưa việc cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho CN vào nội dung thương lượng, ban giám đốc rất ủng hộ".
Từ thực tiễn công tác thương lượng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bổ sung bữa ăn giữa ca vào nội dung thương lượng tập thể; đồng thời quy định trách nhiệm của DN về chất lượng bữa ăn giữa ca. "Trong bối cảnh khó kiểm soát chất lượng bữa ăn giữa ca vì chưa có chế tài, việc bổ sung bữa ăn giữa ca vào nội dung thương lượng tập thể là điều cần thiết bởi sẽ bảo đảm sức khỏe lâu dài của NLĐ" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bình luận (0)