Một số nghiên cứu, thống kê gần đây cho thấy số lượng lao động phổ thông (LĐPT) mất việc, giảm việc đang gia tăng, nhất là khối ngành sản xuất. Trong khi thị trường lao động, việc làm chưa tăng trưởng như mong đợi. Để có góc nhìn tổng quan về vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc nền tảng Việc Làm Tốt.
Phóng viên: Nhận định của bà về thị trường lao động, việc làm phân khúc lao động phổ thông trong thời gian qua?
- Bà TRẦN MINH NGỌC: Nhu cầu tuyển dụng trực tuyến ở nhóm LĐPT đã bắt đầu giảm từ tháng 11-2022 đến sau Tết âm lịch vẫn chưa phục hồi. Nhu cầu tuyển dụng LĐPT 7 tháng đầu năm 2023 giảm 30%, trong khi người tìm việc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc nền tảng Việc Làm Tốt
Trong tháng 7, chỉ nhóm ngành nhân viên kinh doanh, giao nhận và bảo vệ có tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng so với quý II/2023, lần lượt là 3%, 15% và 23%. Nhu cầu tuyển dụng của các nhóm công việc dịch vụ nhà hàng và quầy uống (F&B) và bán lẻ, như: nhân viên phục vụ, thu ngân, đầu bếp, bán hàng… và công nhân vẫn tiếp tục giảm trong tháng 7 vừa qua.
Nhà tuyển dụng cần gì ở ứng viên, thưa bà?
- Do ảnh hưởng dây chuyền của nền kinh tế, từ quý IV/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải thu hẹp quy mô, thậm chí dừng hoạt động. Với các DN còn hoạt động, họ đang thực hiện nhiều kế hoạch để tối ưu hóa chi phí, ưu tiên cắt giảm những khoản chi tiêu không trực tiếp tạo ra doanh thu trong ngắn hạn, giảm hoặc cắt hoàn toàn nhân sự ở những dự án không hiệu quả.
Do đó, DN kỳ vọng người lao động (NLĐ) thích ứng, linh động hơn và cần phát huy tinh thần dám thử, dám làm những cái mới, đón nhận những thử thách, yêu cầu công việc đa dạng để cải thiện năng lực cá nhân.
NLĐ và DN cần làm gì để giữ việc làm, củng cố niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn này?
- Điều đầu tiên, cả NLĐ và DN cần chủ động lắng nghe để thấu hiểu, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn này. Đối với DN, hãy chia sẻ tình hình DN với NLĐ để họ hiểu hơn về hoàn cảnh DN và tự nhận thức được sự đóng góp của bản thân cho công ty đang được trân trọng như thế nào; quan tâm đến đời sống của NLĐ, cố gắng duy trì các khoản lương thưởng quyền lợi cần thiết cho họ.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực giữ việc làm cho người lao động. Ảnh: GIANG NAM
Với NLĐ, cần chủ động tìm hiểu nhiều hơn về thị trường và DN đang làm việc để thấy những khó khăn trong giai đoạn này. Đồng thời, chủ động điều chỉnh kế hoạch, đặt ra các mục tiêu cá nhân ngắn hạn mới cho bản thân để sẵn sàng và nhanh chóng thích nghi với tình hình thị trường nhiều biến động, khó lường như hiện tại.
Những tháng còn lại của năm 2023, thị trường lao động Việt Nam sẽ theo chiều hướng nào?
- Việc Làm Tốt dự báo nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý III và sẽ có dấu hiệu phục hồi nhẹ vào quý IV năm nay. Các nhóm việc làm thuộc ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống lưu trú nhà hàng - khách sạn cuối năm sẽ có sự tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng vào các tháng cao điểm của mùa du lịch, lễ, hội. Tuy nhiên, mức tăng được dự đoán là yếu và sẽ tập trung ở nhân sự bán thời gian để phục vụ đúng đợt cao điểm.
Xu hướng các DN sẽ mở rộng hoạt động trên nền tảng số nhiều hơn để tăng doanh thu và cắt giảm chi phí cố định. Do đó, các loại công việc mới chuyên môn hóa cho nền tảng online sẽ được tuyển dụng nhiều như: nhân viên nhận đơn online, đóng gói hàng hóa, giao hàng, xây dựng nội dung số…
Khối ngành sản xuất chưa thấy dấu hiệu phục hồi, nhất là dệt may, da giày, gỗ. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung ở nhóm công nhân sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm; nhân viên chuỗi cung ứng và vận tải; nhân viên kinh doanh, công nhân xây dựng vẫn duy trì nhu cầu tuyển dụng.
Bình luận (0)