Nhắc lại nguyên nhân vụ ngừng việc xảy ra cách đây không lâu, ông Hoàng Nghĩa Dũng, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Nghĩa Dũng, đúc kết: "Một vài trăm ngàn đồng không đáng là bao nhưng lúc ấy tôi quá tính toán với anh em công nhân (CN) nên đã đẩy công ty vào bất ổn. Đây là bài học đắt giá và tôi sẽ không phạm sai lầm lần nữa". Thời điểm công ty mới đi vào hoạt động, do đơn hàng nhiều, để động viên CN làm việc, ông Dũng bàn bạc với CĐ cơ sở hỗ trợ thêm các khoản xăng xe, nhà trọ, nuôi con nhỏ hằng tháng cho CN…tổng cộng 500.000 đồng/người/tháng. Chính sách hỗ trợ này được niêm yết công khai ở các xưởng để CN biết và giám sát quyền lợi. Để CN an tâm hơn, ban chấp hành CĐ cơ sở đề xuất ban giám đốc cụ thể hóa các khoản chăm lo nói trên trong TƯLĐTT. Trước đề xuất hợp lý hợp tình này, ban giám đốc ưng thuận.
Ảnh minh họa
Khi đơn hàng dồi dào, việc chi trả các khoản phụ cấp được công ty tuân thủ nghiêm túc, tạo sự phấn khởi cho CN. Thế nhưng việc làm ăn của công ty không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có thời điểm việc đàm phán đơn hàng rơi vào bế tắc khiến CN phải nghỉ chờ việc luân phiên. Thay vì cố gắng tìm kiếm thị trường mới và động viên CN gắn bó, ban giám đốc công ty lại cắt bỏ các khoản phụ cấp trong TƯLĐTT nhằm giảm chi phí, bỏ qua khuyến nghị của CĐ cơ sở. Việc làm không ổn định, nay lại bị giảm thu nhập nên số đông CN rất bất bình. Cho rằng công ty bội tín, một số CN đã khiếu nại các cơ quan chức năng. Tại buổi hòa giải, khi được khuyến cáo, lãnh đạo công ty mới nhận sai. Đích thân ông Dũng phải xin lỗi tập thể CN vì đã thất hứa với họ.
"Nội dung TƯLĐTT được hình thành thông qua thỏa thuận giữa CĐ cơ sở và người sử dụng lao động. Khi được cơ quan quản lý nhà nước công nhận thì TƯLĐTT sẽ có giá trị và các bên có liên quan phải có trách nhiệm thực hiện. Việc nại lý do này khác để thay đổi nội dung TƯLĐTT hoặc không thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động sẽ khiến DN trả giá đắt"- ông Nguyễn Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP, khuyến nghị.
Bình luận (0)