Không chấp nhận cảnh bị động trong tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có những cách làm sáng tạo để xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai. Trong đó, học kỳ (HK) DN được đánh giá là một trong những mô hình đào tạo hiệu quả, sáng tạo mang lại lợi ích cho cả sinh viên (SV) và DN.
Trải nghiệm thú vị
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết HKDN được Sài Gòn Food triển khai từ năm 2016 nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, hỗ trợ SV thực tập. Đồng thời tìm kiếm, phát triển nguồn nhân lực, nhân tài cho công ty.
Theo đó, SV đang theo học các chuyên ngành chế biến thực phẩm, thủy hải sản, quản trị kinh doanh, marketing, cung ứng, xuất nhập khẩu, kho vận, hành chính nhân sự, thống kê,... tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đều có thể đăng ký tham gia khóa học rất thực tiễn này. Thời gian học tập khoảng 8 tuần, SV được công ty hỗ trợ mọi chi phí và còn được hưởng phu cấp theo kết quả làm việc trong suốt quá trình học tập.
Sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp được cấp chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học tại Công ty CP Sài Gòn Food
Theo bà Lâm, kể từ khi triển khai đến nay, công ty đã tổ chức được 8 khóa học với gần 700 SV tham gia. Không chỉ sinh viên đến từ các trường ở TP HCM như: trường ĐH Nông Lâm TP HCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Trường Trung cấp Thủy sản... mà SV đến từ các trường như ĐH Nha Trang, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng tham gia nhiệt tình. "Sau HKDN, các bạn SV có nguyện vọng ở lại làm việc tại công ty sẽ được phỏng vấn tuyển dụng, đưa vào chương trình đào tạo đặc biệt từ 1 đến 2 năm ở các vị trí nhân viên, chuyên viên, sau đó thi tuyển tham gia vào chương trình quản trị viên tập sự với các vị trí quản lý cấp trung. Thống kê của chúng tôi cho thấy có tới 72% SV tham gia khóa học có nguyện vọng được làm việc ở công ty, đây chính là cơ hội hấp dẫn trong hành trình khởi nghiệp của SV, cũng là cơ hội tốt cho DN trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao" - bà Lâm nói.
Bạn Võ Thị Kim Ngân, SV Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết đây là khóa học thiết thực nhất mà em từng tham gia. Ngân nói rằng trước đây chỉ ngồi tưởng tượng thôi chứ không biết quy mô sản xuất lớn và phức tạp như thế này. "Tụi em được học từ việc khử trùng trước khi vào xưởng, đến cách sử dụng các dụng cụ, máy móc, kỹ thuật cầm nắm sao cho thao tác nhanh nhất mà ít tốn sức nhất... Các anh chị thạo việc còn chỉ dạy những kỹ năng quan trọng trong công việc, được lãnh đạo công ty truyền đạt những kinh nghiệm, được trải nghiệm thực tế trong nhiều phân đoạn khác nhau nên có cái nhìn tổng quan về công việc tương lai của mình. Sau này khi ra trường, bắt tay vào công việc, tụi em không còn ngỡ ngàng nữa" - Ngân hào hứng kể.
Học đi đôi với hành
Ở phương diện đào tạo nhân lực, các trường ĐH cũng không chịu cảnh để SV mình ra trường khó xin được việc làm. Nhiều trường đã kết nối SV và DN ngay khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ông Đặng Thanh Vũ, Giám đốc điều hành (phụ trách SV) Trường ĐH Văn Hiến (VHU), cho rằng việc cho SV "mắt thấy, tai nghe" là hoạt động không thể thiếu trong đào tạo nhân lực hiện nay. Ông Vũ nói rằng đã qua rồi cái thời thầy nói, trò ghi, hiện nay học phải đi đôi với hành, tăng cường cọ xát thực tế thì SV khi ra trường mới tự tin đi làm, DN tuyển dụng cũng không phải mất công đào tạo lại. "Tại VHU, chúng tôi có một trung tâm hợp tác DN và hỗ trợ SV. Trung tâm này có trách nhiệm tuyển chọn từ 5-10 DN phù hợp, có thực lực mạnh cho mỗi ngành học, các DN này làm việc và ký kết hợp tác toàn diện với trường để trở thành cơ sở thực tế, thực tập, việc làm thêm, việc làm sau tốt nghiệp cho SV. Ngược lại, nhà trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho DN đó" - ông Vũ nói thêm.
Mỗi năm 2 lần, VHU tổ chức Ngày hội việc làm - Job Fair để kết nối DN xích lại gần hơn với nhà trường, tạo điều kiện cho DN giới thiệu trước SV để tuyển dụng. Nhà trường cũng đầu tư một sàn việc làm online để SV trường và các nhà tuyển dụng gặp nhau mọi lúc mọi nơi, thuận lợi và tiết kiệm thời gian của nhau.
Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) cũng được đánh giá cao khi chủ động đưa SV đến với các HKDN. Đối với nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn, ngay từ năm thứ hai, SV HUTECH sẽ tham gia HKDN ở các nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị lớn để trải nghiệm thực tế. SV có cơ hội củng cố kiến thức, phát triển thêm các kỹ năng chuyên môn cũng như bổ sung các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý thời gian. Đối với ngành dược, HUTECH chủ động làm việc với các bệnh viện uy tín, các công ty dược để SV đến học việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các bác sĩ, dược sĩ.
Ngoài ra, HUTECH chú trọng xây dựng môi trường ĐH năng động với nhiều hoạt động ngoại khóa từ hơn 40 câu lạc bộ SV đa dạng về học thuật, văn hóa, thể thao, tình nguyện,... Đây là nơi giải trí lành mạnh, đồng thời giúp SV phát triển toàn diện các kỹ năng mềm để sẵn sàng thử thách mình trong DN.
Bình luận (0)