Vừa mất thời gian, lại bị chê cười là không hiểu luật”. Ông N.V.H, nguyên là công nhân một doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận 2, TP HCM, phân trần như vậy sau khi được Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM giải thích cặn kẽ quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu.
Ông N.V.H làm việc cho công ty vừa đúng 30 năm; tháng 8-2016, ông nghỉ hưu theo quy định. Trong thông báo phòng tổ chức - nhân sự gửi cho ông có nội dung: “Ngoài chế độ hưu trí, ông N.V.H được hưởng trợ cấp thôi việc của công ty và trợ cấp thất nghiệp từ cơ quan BHXH”. Thế nhưng, ông H. chờ mãi không thấy công ty trả trợ cấp thôi việc, còn khi đi đăng ký thất nghiệp thì cũng không được chấp thuận vì trong thực tế ông không thất nghiệp.
Nghĩ mình bị xâm phạm quyền lợi, ông H. gửi đơn khiếu nại cho giám đốc công ty. Đơn gửi đã lâu nhưng không thấy công ty giải quyết nên ông tiếp tục gửi lần thứ hai. Lần này, phòng tổ chức - nhân sự phản hồi: “Công ty không có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho ông”. Nhận được câu trả lời trái ngược hoàn toàn với thông báo trước đây nên ông H. càng bức xúc và quyết định gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng TP HCM.
Giải trình với các cơ quan chức năng về việc trả lời tiền hậu bất nhất như vậy, một vị lãnh đạo công ty thừa nhận là trước đó, phòng tổ chức - nhân sự đã tư vấn sai cho ban giám đốc về việc giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ hưu. Sợ trách nhiệm nên những người tham mưu sai đã ém nhẹm mọi việc, không dám nhìn nhận sai sót, cũng không trả lời rõ ràng và xin lỗi người lao động.
Về phía ông N.V.H, sau khi được tư vấn rõ ràng, được chỉ rõ quyền lợi của mình được giải quyết theo quy định tại điều nào, khoản nào của pháp luật lao động thì ông cũng thấm thía: “Bao nhiêu năm đi làm, tôi chỉ biết làm việc chứ không quan tâm tìm hiểu xem mình có quyền lợi và nghĩa vụ gì. Qua vụ việc này, tôi có lời khuyên chân thành đối với anh em công nhân trẻ là phải hiểu những quy định cơ bản nhất của pháp luật lao động để ít ra thì cũng không đi đòi những thứ mình không được hưởng”.
Bình luận (0)