Bước sang tháng 6, Ban Giám đốc và tập thể người lao động (NLĐ) của Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6, TP HCM) đã trút được nỗi lo, khi một số đơn hàng được khôi phục sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thời gian qua, chứng kiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải phá sản, tạm ngưng hoạt động, tập thể NLĐ ai cũng lo lắng cho tương lai của DN bởi mỗi tháng, để giữ việc làm, thu nhập cho NLĐ, công ty đã gánh chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng.
Trân quý người lao động
Trò chuyện với chúng tôi, ông Mai Đức Thuận, tổng giám đốc công ty, cho biết khó khăn mà các DN đối diện trong thời điểm dịch bệnh là điều khó tránh khỏi và DN của ông cũng không ngoại lệ.
Ông Thuận cho biết hầu hết khách hàng lớn của DN là ở Mỹ, giai đoạn đầu của dịch bệnh, do công ty vẫn đang thực hiện các đơn hàng cũ và đã nhập sẵn nguyên phụ liệu đáp ứng đủ sản xuất trong thời gian khoảng 1 tháng rưỡi nên không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại châu Âu và Mỹ thì Thuận Phương bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều đơn hàng đã hoàn tất nhưng không xuất được. Trước tình hình ấy, DN đã rất đắn đo lựa chọn giữa hai phương án: Tạm ngưng hoạt động và trả lương cơ bản cho NLĐ hoặc tiếp tục cố gắng duy trì sản suất.
"Công ty có khoảng 7.000 lao động đang làm việc tại các nhà máy, do vậy ban giám đốc phải cân nhắc rất kỹ bởi sau lưng NLĐ là gia đình. Nếu tiếp tục duy trì thì mỗi tháng DN sẽ phải gánh chi phí khoảng gần 70 tỉ đồng. Sau nhiều lần thảo luận, chúng tôi quyết định duy trì sản xuất để NLĐ có việc làm" - ông Thuận chia sẻ.
Công nhân DNTN Cọ sơn Thanh Bình an tâm làm việc sau thời gian dịch bệnh
Để không đóng cửa các nhà máy, DN bố trí cho NLĐ nghỉ phép mỗi tuần 1 ngày. Ban giám đốc quyết định tận dụng nguồn vải sẵn có trong kho để may khẩu trang, vừa bán vừa tặng cho khách hàng, NLĐ và các cơ sở phòng chống dịch. Ông Thuận cho biết 2 tháng qua, dù DN phải chịu lỗ, thu nhập NLĐ bị giảm sút nhưng đến thời điểm hiện tại, không NLĐ nào bị mất việc làm. Khi đơn hàng đã có dấu hiệu khởi sắc, công ty có kế hoạch tăng chuyền sản xuất và tuyển thêm khoảng 1.000 lao động.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, cho biết những năm qua, DN không ngừng phát triển, quyền lợi của NLĐ từng bước được nâng lên. Hằng tháng, ngoài tiền lương, NLĐ còn được hỗ trợ nhiều khoản thưởng, phụ cấp như chuyên cần, tuân thủ nội quy, hoàn thành công việc, xếp loại… Mỗi dịp Tết, ngoài lương tháng 13, 14, DN còn tổ chức tiệc vinh danh nhân viên xuất sắc, có nhiều cống hiến trong năm (từ nửa chỉ vàng đến hàng trăm triệu đồng).
Cư xử có tình
Một điển hình khác về nỗ lực chăm lo cho NLĐ trong lúc DN gặp khó khăn là DNTN Cọ sơn Thanh Bình (quận 8, TP HCM).
Ông Hồ Văn Bền, Giám đốc DN, cho biết từ những ngày đầu thành lập, cọ sơn Thanh Bình chỉ là một cơ sở nhỏ với 10 công nhân (CN) làm việc hoàn toàn thủ công. Sau thời gian hoạt động, DN ngày càng phát triển và xây dựng được nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại tại KCN Long Hậu (tỉnh Long An), với số lao động hơn 350 người. Khi DN xây dựng nhà máy mới Long Hậu, lẽ ra toàn bộ CN trực tiếp sản xuất sẽ đến nơi làm việc mới. Thế nhưng, thấy nhiều NLĐ đã gắn bó lâu năm không thể về địa điểm mới nên ban giám đốc quyết định duy trì một bộ phận sản xuất tại TP HCM.
"Thành công của DN là nhờ công sức đóng góp của NLĐ. Trước đây, sản phẩm cọ sơn hầu hết là của Trung Quốc, không có bất kỳ thương hiệu nào của Việt Nam. Nhưng nay, sản phẩm cọ sơn của chúng tôi đã có mặt và trụ vững trên thị trường là do đôi bàn tay khéo léo của chính những NLĐ. Họ là nguồn lực quý giá của DN. Do vậy, mọi vấn đề liên quan đến NLĐ đều được chúng tôi cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định" - ông Bền nhấn mạnh.
Khi dịch bùng phát, để bảo đảm an toàn sức khỏe NLĐ, công ty bố trí cho họ nghỉ luân phiên nhưng vẫn cố gắng trả lương. Không chỉ bảo đảm thu nhập, DN còn duy trì phúc lợi khác cho CN. Điển hình là chương trình Học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con NLĐ, tổ chức du lịch hằng năm cho toàn thể CN... Với một số CN có nguyện vọng học tập nâng cao trình độ, DN luôn tạo điều kiện để họ được đi học. Ông Bền nói: "Một số CN được cử đi học tại chức tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM sau đó tiếp tục làm việc và trở thành những người thợ giỏi. Họ đã giúp DN cải tiến máy móc, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất… Đó là niềm tự hào của chúng tôi".
Gắn bó với DN 24 năm qua, chị Nguyễn Thị Sáu cho biết: "Điều khiến tôi không nỡ rời DN là do đồng nghiệp thân thiện, chủ DN có tình có nghĩa, lo lắng cho CN, những dịp lễ, Tết hay những lúc khó khăn, ban giám đốc luôn quan tâm hỗ trợ CN".
Bình luận (0)