"Lay off" (sa thải) là cụm từ khá phổ biến thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đây không hẳn là chuyện xấu mà có thể là cơ hội để người lao động (NLĐ) nâng cấp bản thân. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Phạm Hà, người sáng lập Công ty CP Nguồn lực Happy Talents (TP HCM), về vấn đề này.
.Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về tình trạng "lay off" tại các doanh nghiệp (DN)?
- Bà PHẠM HÀ: Theo ghi nhận của chúng tôi, trước tình hình khó khăn chung hiện nay, cứ 10 DN là có 7 cắt giảm nhân sự chủ yếu ở các vị trí không trực tiếp kinh doanh hoặc không góp phần tạo ra doanh thu cho công ty. Đồng thời, các nhân sự không đa nhiệm, nhạy bén, sức ì lớn cũng đều nằm trong danh sách.
Theo chia sẻ của khách hàng từ lĩnh vực FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), doanh số quý III và đầu quý IV giảm 65% so với quý I và II/2023. Do đó, họ phải cho nghỉ 50% số nhân viên so với 6 tháng đầu năm. DN chỉ giữ lại những nhân sự cốt cán, sẵn sàng đa nhiệm và thay đổi tư duy để thích ứng. Dự báo năm 2024 các DN vẫn còn khó khăn, vì vậy giảm nhân sự sẽ tiếp tục xảy ra.
Trong 3 năm gần đây, lượng ứng viên đến công ty chúng tôi để kết nối việc làm tăng cao, nhất là người có độ tuổi trên 35. Những ứng viên này có đặc điểm chung là đều bị cắt giảm. Qua phỏng vấn, hầu hết năng lực của họ không xuất sắc, không đa nhiệm, không nhạy bén, chỉ muốn làm các công việc an nhàn và ổn định. Khoảng 20% ứng viên có mức lương trên 35 triệu đồng/tháng khó tìm việc, do cơ hội việc làm năm nay ít hơn so với những năm trước.
.Ảnh hưởng của giảm nhân sự đối với DN và NLĐ như thế nào?
- Với NLĐ, ảnh hưởng của sa thải là khủng hoảng, stress, tâm lý bất ổn là điều dễ nhận thấy nhất. Những nhân sự thất nghiệp trên 3 tháng đều có chung tâm lý là tự ti, áp lực tài chính và từ sự quan tâm của người thân.
Sau giờ làm, người lao động học thêm kỹ năng, kiến thức để nâng cấp bản thân .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Còn DN, cắt giảm không phải là phương án tốt nhất trong giai đoạn khó khăn nhưng khi chưa có phương án nào tối ưu, họ thường cắt giảm nhân sự đầu tiên. Việc này sẽ gây khó khăn cho trước mắt vì lượng việc chỉ giảm chứ không có mất hẳn. Khi cắt giảm, bắt buộc công việc còn lại phải giao cho người khác kiêm nhiệm. Việc kiêm nhiệm này không tối ưu khi giao cho người không có chuyên môn, phải mất từ 3 - 6 tháng mới có thể quen dần. Khi cắt giảm nhân sự nghĩa là phải thay đổi quy trình làm việc. Việc cắt giảm này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đối với những nhân sự còn lại nếu không làm tốt tư tưởng và trấn an tinh thần.
.Đối mặt với tình trạng này, người đi làm cần gì?
- Đứng trước tình trạng "lay off", NLĐ cần giữ gìn sức khỏe, tinh thần sẵn sàng đối mặt với khó khăn trước mắt bằng thái độ tích cực, kiêm nhiệm thêm công việc nếu được yêu cầu. Nếu không làm thì cũng sẽ có người khác làm, chỉ có người tạo ra giá trị mới được giữ lại. NLĐ cũng nên xin làm thêm việc ngoài công việc hiện tại để giúp công ty giảm chi phí. Đồng thời, chủ động đưa ra các giải pháp giúp DN tối ưu quy trình làm việc. Nhất là các công việc giúp công ty gia tăng doanh số và lợi nhuận. Bên cạnh đó, NLĐ cần kết bạn và giữ kết nối với ít nhất 3 headhunter (chuyên viên tuyển dụng) để gia tăng cơ hội việc làm.
Một điều quan trọng khác là NLĐ phải luôn trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để nâng cấp bản thân và tạo ra nguồn thu nhập thứ hai. Ví dụ: Tìm nguồn hàng đặc sản từ quê và bán hàng trên mạng xã hội... Công việc này có thể làm online nên hoàn toàn dễ dàng đối với nhiều người.
Bình luận (0)