Khảo sát của Anphabe với người lao động thuộc hai nhóm ngành công nghệ thông tin - viễn thông và ngân hàng - tài chính - bảo hiểm, cho thấy kỳ vọng tăng lương trung bình của 2 nhóm ngành này lần lượt là khoảng 10% và 9,6%, cao hơn mức kỳ vọng chung của toàn thị trường Việt Nam (9,5%).
Nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin - viễn thông chia sẻ kinh nghiệm
Tuy nhiên, có một sự chênh lệch rõ rệt giữa kỳ vọng của người lao động và mức lương thực tế tại các doanh nghiệp. Trong khi người đi làm mong muốn tăng lương, khoảng 50% doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin - viễn thông và 38%; ngân hàng - tài chính - bảo hiểm dự định sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lương hiện tại.
Chỉ có khoảng 42% và 53% doanh nghiệp trong hai ngành này có kế hoạch tăng lương, và khoảng 8% và 9% có ý định cắt giảm lương. Đây là kết quả của sự biến động khác nhau tại các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặt ra thách thức lớn cho việc quản lý và giữ chân nhân tài trong hai ngành này.
Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP HCM tổ chức
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cố gắng hồi phục, ngành ngân hàng - tài chính phải đối mặt với nhiều thách thức: nợ xấu gia tăng, nguy cơ lạm phát, tác động từ kinh tế toàn cầu, áp lực tăng vốn, cạnh tranh với công ty Fintech và rủi ro an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.
Theo kết quả Khảo sát của Anphabe, có khoảng 34% doanh nghiệp trong ngành ngân hàng - tài chính - bảo hiểm và công nghệ thông tin - viễn thông buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực. Dự kiến trong vòng 6 tháng tới, vẫn sẽ có khoảng 14% doanh nghiệp tiếp tục có ý định cắt giảm lao động.
Biểu đồ thị trường lao động ngành tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin - viễn thông... trong thời gian tới
Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn luôn tiềm ẩn cơ hội. Khảo sát cho biết có 7/10 người bị sa thải đã tìm được công việc mới. Trong đó, tốp 5 ngành vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm 2023 bao gồm bảo hiểm (28%); ngân hàng (26%); giáo dục - đào tạo - tư vấn (25%); công nghệ thông tin - phần mềm - thương mại điện tử (21%) và dược - thiết bị y tế - chăm sóc sức khỏe (20%).
Bình luận (0)