Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Tân Bình, TP HCM với hơn 150 cán bộ Công đoàn (CĐ), công nhân (CN) làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn quận được tổ chức mới đây đã diễn ra trong không khí chân tình, cởi mở.
Hiểu cái khó của công nhân
Mở đầu chương trình đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Anh Quốc, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, nhìn nhận rất nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quận gặp khó khăn trong thời gian qua do chi phí đầu vào tăng, hàng hóa tồn kho. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, phá sản, giải thể, tình trạng DN nợ BHXH, BHYT không giảm… Trong khi đó, giá cả sinh hoạt tăng, chi phí gửi trẻ cao nhưng hệ thống trường học trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ hoặc cho con đi học của người lao động. Ngoài ra, việc vận động chủ nhà trọ không tăng giá gặp nhiều khó khăn do giá cả sinh hoạt tăng; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà trọ cao… Do đó, vấn đề thu nhập, nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con CN trở thành mối quan tâm lớn của đông đảo CN hiện nay. "Chương trình nhằm tạo điều kiện để đội ngũ CN, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Qua chương trình, lãnh đạo quận sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của CN hoặc đề xuất lên trên những vấn đề vượt quá tầm giải quyết của quận" - ông Quốc cho hay.
Công nhân đóng góp ý kiến trong chương trình đối thoại tại Công ty TNHH Sanofi Aventis
Được sự gợi mở của chủ tịch LĐLĐ quận, các cán bộ CĐ và CN đã nêu lên những bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật như khám chữa bệnh bằng BHYT; việc thay đổi cách tính lương hưu gây thiệt thòi cho người lao động; những bất cập trong Bộ Luật Lao động; những đề xuất kiến nghị trong việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể tại DN ngoài nhà nước… Chị Huỳnh Ngọc Anh, Công ty Quảng cáo Thương mại Dương Phong, mạnh dạn phản ánh: "Việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT của CN rất khó khăn vì các cơ sở khám bệnh còn hời hợt, xem nhẹ bệnh nhân sử dụng thẻ. Tôi mong lãnh đạo quận có chỉ đạo để việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT của CN được thuận lợi và chất lượng hơn".
Đó chỉ là một trong nhiều ý kiến liên quan đến những quyền lợi thiết thân với CN được chia sẻ tại buổi đối thoại. Tất cả những vấn đề ấy đã được giải đáp tận tình, cụ thể. Bà Phạm Thị Út, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, mong muốn các phòng, ban liên quan tập trung giải quyết những khó khăn của CN. Đồng thời, bà đưa ra những gợi mở cho LĐLĐ quận có những giải pháp đổi mới nhằm chăm lo tốt hơn đời sống CN, đặc biệt là hoạt động chăm lo Tết Mậu Tuất 2018 và thực hiện tốt kế hoạch hành động "Năm Vì lợi ích đoàn viên".
Thẳng thắn, chân tình
Chương trình đối thoại giữa CN và ban giám đốc Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 4, TP HCM) diễn ra trong thời gian ngắn gọn nhưng tất cả những ý kiến, nguyện vọng của người lao động đều được ban giám đốc trả lời thẳng thắn; không vòng vo, né tránh. Chị Nguyễn Thị Ngọc Phương góp ý: "Sắp tới, nhà máy sẽ dời từ quận 2 đến quận 9. Do vậy, nhiều CN phải di chuyển xa, mất 2-3 giờ mỗi ngày cho việc đi lại. Vì thế, chúng tôi mong muốn DN hỗ trợ 50.000 đồng chi phí di chuyển mỗi ngày". Chị Nguyễn Thị Kim Châu cũng đề xuất: "Tôi xin thay mặt anh chị em CN cảm ơn ban giám đốc vì đã mua BHYT cho cả người thân CN. Điều này, giúp CN giảm gánh nặng về chi phí cho việc khám chữa bệnh rất nhiều. Tôi mong muốn ban giám đốc có thể nâng trợ cấp đặc biệt từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng/lần".
Bà Huỳnh Thụy Mai Phương, Giám đốc nhân sự công ty, trả lời: "Ban giám đốc vô cùng cảm động khi CN cảm ơn ban giám đốc về việc mua BHYT vừa qua cho cả người thân của CN. Như các anh chị đã biết, chi phí khám bệnh ngoại trú hơn 10 triệu đồng/người/năm. Chi phí khám bệnh nội trú tăng từ 42 triệu đồng lên 63 triệu đồng/năm. Đây là khoản chi phí vô cùng lớn do vậy việc tăng thêm trợ cấp đặc biệt và hỗ trợ chi phí đi lại cho CN vào thời điểm này là rất khó cho DN. Theo dự kiến vào năm 2019, chuyến tàu điện ngầm từ quận 1 đến quận 9 sẽ hoạt động, đây là phương tiện di chuyển tốt cho tất cả chúng ta. Mặt khác, các anh chị có nghĩ đến việc chuyển nhà đến quận 9 ở không? Đi làm gần, chi phí sinh hoạt cũng thấp hơn các quận trung tâm".
Với những chia sẻ chân tình của đại diện DN, hầu hết CN đều đồng tình và thấu hiểu những khó khăn cũng như sự nỗ lực chăm lo cho CN của DN trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Chủ động tổ chức đối thoại
Mục tiêu của đối thoại là để giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa người lao động và người sử dụng lao động, hạn chế thấp nhất tranh chấp xảy ra. Không những thế, đối thoại là cơ hội để người lao động hiến kế, đề xuất các giải pháp để tăng năng suất, tiết kiệm cho DN, đơn vị. Do vậy, LĐLĐ TP luôn lưu ý CĐ cơ sở phải tăng cường, chủ động trong việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Bình luận (0)