"Mục tiêu của Nghị định 60/2013/NĐ-CP là tăng cường sự liên kết, trao đổi giúp chủ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) hiểu nhau hơn, thậm chí thúc đẩy sự phát triển của DN. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lại cho rằng quy định đối thoại định kỳ gây khó, có khi còn cản trở sự phát triển của DN.
Nhầm lẫn tai hại
"Vì hiểu sai nên thay vì chủ động thực hiện để đạt được hiệu quả mong muốn, một số đơn vị lại làm hình thức để đối phó, vậy thì có lợi gì cho DN?". Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, nhấn mạnh như vậy tại hội nghị nâng cao chất lượng hội nghị NLĐ và đối thoại định kỳ được Quận ủy Phú Nhuận, TP HCM tổ chức mới đây.
Tại PNJ, ban giám đốc luôn phát huy dân chủ giúp người lao động yên tâm làm việc
Sở dĩ ông Năm nhấn mạnh điều này là do tại hội nghị có đại biểu nói rằng việc tổ chức đối thoại định kỳ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh doanh của đơn vị. Đây là cách nhìn sai về chính sách. Ông Năm phân tích từ khi có quy định đối thoại định kỳ 3 tháng/lần, phía DN cho rằng "khó" tổ chức vì rất nhiều lý do như không thể tập hợp NLĐ, việc tổ chức gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, việc đối thoại không mang lại lợi ích cho DN vì NLĐ chỉ biết đòi hỏi...
Đây là thực tế song theo ông Năm, nếu hiểu đúng về đối thoại thì sẽ thấy việc tổ chức không quá khó bởi đối thoại không yêu cầu tập hợp tất cả NLĐ mà chỉ bao gồm tổ đối thoại được NLĐ bầu ra và ban giám đốc. Trách nhiệm của tổ này là tham khảo ý kiến NLĐ và trên cơ sở đó trao đổi với ban giám đốc. Trong trường hợp giám đốc không thể tham gia, có thể ủy quyền. "Như vậy, một cuộc đối thoại chỉ có vài người thì khả năng ảnh hưởng sản xuất không cao, cũng không gây khó khăn cho các DN mà NLĐ rải rác nhiều địa phương" - ông nói.
Ở những đơn vị chủ động đối thoại sẽ giúp NLĐ cởi mở hơn, từ đó tích cực đóng góp ý kiến để phát triển DN. Như vậy, làm sao để việc đối thoại trở thành thói quen? Đặt ra vấn đề trên, ông Năm nhấn mạnh vai trò của Công đoàn (CĐ). "Trước hết, cán bộ CĐ phải có bản lĩnh thương lượng, như vậy mới có thể thuyết phục DN. Mặt khác, CĐ phải khéo léo lựa chọn nội dung mỗi lần đối thoại. Bên cạnh các ý kiến về quyền lợi của NLĐ, CĐ nên tổ chức lấy ý kiến và trao đổi về các biện pháp tiết kiệm hay nâng cao năng suất… Làm sao cho DN hiểu rằng đối thoại đem lại lợi ích cho cả đôi bên" - ông Năm nói.
Là một trong những đơn vị phát huy dân chủ tốt, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã chia sẻ kinh nghiệm. Ông Vũ Đức Vẻ, Bí thư Chi bộ PNJ, cho biết ban giám đốc rất cầu thị trong xây dựng quy chế đối thoại và không ngại gặp gỡ NLĐ, lắng nghe ý kiến của họ. Công ty hiện có 7 khối chuyên môn. Hằng năm, ban giám đốc đều dành thời gian đối thoại với từng khối để thảo luận về định hướng sản xuất kinh doanh, ghi nhận và tháo gỡ những vướng mắc, động viên NLĐ... "Trong 5 năm, qua đối thoại, ban giám đốc đã nhận được hàng trăm ý kiến của NLĐ về kỷ luật lao động, tiền công, thời gian làm việc và các phương pháp cải tiến trong sản xuất kinh doanh. Có thể nói đối thoại đem lại rất nhiều lợi ích cho cả NLĐ và DN" - ông Vẻ đúc kết.
Gỡ rối cho DN "siêu nhỏ"
Một trong những vấn đề được nhiều chủ DN quan tâm là việc tổ chức đối thoại tại các DN có quy mô nhỏ. Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Tam Minh, kể: "Công ty có dưới 10 lao động và làm việc ở nhiều địa phương khác nhau. Tất cả đều là kỹ sư tư vấn về kỹ thuật. Trong công việc, anh em phải liên hệ với nhau mỗi ngày, do đó việc tổ chức đối thoại ở công ty thực ra chỉ mang tính hình thức. Tôi nghĩ những đơn vị có quy mô nhỏ như chúng tôi thực tế không cần đối thoại".
Cùng ý kiến với bà Phương, ông Thái Đôn Tuyên, đại diện Công ty Thương mại Dịch vụ Phúc An Thái, cũng đặt vấn đề về việc không nhất thiết phải đối thoại ở DN "siêu nhỏ". Ông nói: "Công ty tôi chỉ có 3 người, mỗi ngày ra vô đều phải gặp mặt, trao đổi. Hơn nữa, nếu tính đến thành phần đối thoại, chúng tôi cũng không có đủ. Vậy có cần thiết phải làm báo cáo về đối thoại định kỳ hay không?".
Chia sẻ khó khăn và gỡ rối cho các DN này, ông Trịnh Xuân Thiều - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Phú Nhuận - cũng cho rằng: "Luật quy định đối thoại để giúp DN và NLĐ có thêm cơ hội tiếp xúc vì nếu không có luật, DN sẽ không làm. Tuy nhiên, với những đơn vị quá ít lao động, chỉ 2, 3 hoặc 4 người thì việc giao tiếp hằng ngày cũng đã đủ, không nhất thiết phải tổ chức hội nghị". Ông Thiều cũng nhấn mạnh DN và CĐ cơ sở cần nghiên cứu kỹ luật để làm sao thực hiện cho đúng, tránh tình trạng do hiểu không đúng mà làm sai hoặc không làm.
Bà NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC, Phó Ban Dân vận Thành ủy TP HCM:
Phải thay đổi nhận thức
Nghị định đã đi vào thực tế hơn 4 năm nhưng vẫn còn nhiều DN hiểu chưa sâu, chưa sát và thực hiện chưa đúng. Do đó, các cấp - ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và hướng dẫn DN tổ chức đối thoại nói riêng và quy chế dân chủ nói chung, kèm theo đó là giám sát việc thực hiện. Mặt khác, cần thay đổi nhận thức của DN và cả NLĐ về vấn đề đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ. Nếu NLĐ và DN có tiếng nói chung thì DN chắc chắn sẽ phát triển ổn định.
Bình luận (0)