Từ cuối năm 2016 đến nay, giá mủ cao su thành phẩm trong nước liên tục tăng (từ khoảng 26-27 triệu đồng lên 50 triệu đồng/tấn). Giá mủ cao su có dấu hiệu phục hồi là “cú hích” thúc đẩy tinh thần hăng say lao động sản xuất đối với tất cả công nhân (CN) ngành cao su. Nhiều đơn vị đã ra quân ngay trong Tết.
Làm việc xuyên Tết
Nhằm khích lệ tinh thần người lao động (NLĐ) và để không khí thi đua thêm sôi nổi, Ban Giám đốc và Công đoàn Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đã trực tiếp đến các nông trường thăm hỏi, động viên và chúc họ một năm mới làm việc hiệu quả hơn.
Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là đơn vị ra quân cạo mủ sớm nhất, toàn thể NLĐ ra lô từ mùng 2 Tết. Hầu hết CN đều vui vẻ bắt tay vào việc dù nghỉ Tết ít hơn.
“Công ty chỉ khuyến khích NLĐ và trả lương theo quy định của nhà nước nhưng hầu hết CN đều không ngại làm việc sớm. Vì vậy, đến ngày 10-2, khi ngưng hẳn việc khai thác, công ty đạt sản lượng khoảng 1.800 tấn, tương đương 15% kế hoạch năm. Đó là tín hiệu vui. Công ty đang tập trung vào công tác phòng chống cháy và phun thuốc phòng bệnh phấn trắng” - ông Ngô Văn Mân, phó tổng giám đốc công ty, cho biết.
Công ty TNHH Cao su Bình Thuận cũng là một trong những đơn vị ra quân khai thác sớm nhất VRG. Lễ ra quân được tổ chức tại Nông trường Thuận Đức vào mùng 3 Tết. Ban lãnh đạo công ty và nông trường đến từng đội sản xuất gặp gỡ, động viên anh em CN làm việc. Tại lễ ra quân, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bình Thuận, kêu gọi toàn thể CNVC-LĐ đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực ngay trong những ngày đầu khai thác, quyết tâm cùng nhau hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017. Cùng với lời kêu gọi là những lời chúc tốt đẹp, những cái bắt tay ấm áp thể hiện sự quyết tâm của tập thể CN và lãnh đạo trong năm mới.
Trong lễ ra quân khai thác vào mùng 4 Tết, ông Đặng Văn Lệ, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Đồng Phú, cũng kêu gọi NLĐ phát huy tinh thần vượt khó, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, như: khai thác với tổng sản lượng trên 13.660 tấn mủ, năng suất vườn cây đạt 2 tấn/ha; thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng…
Thành quả của sự tăng tốc ngay từ những ngày đầu năm là tính đến hết tháng 1-2017, VRG đã khai thác được 25.965 tấn mủ cao su, đạt 10,35% kế hoạch năm, nhanh hơn so với tiến độ cùng kỳ năm trước 0,2% (tương đương 630 tấn). VRG cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ tình hình thời tiết và năng lực vườn cây kinh doanh để quyết định dừng thời điểm cạo mủ; tích cực kiểm tra, phát hiện sớm bệnh hại trên vườn cây để kịp thời có biện pháp phòng trị hiệu quả, đồng thời chuẩn bị cho công tác phòng chống cháy khi nhiệt độ không khí bắt đầu tăng lên.
Làm giàu nhờ tinh thần sáng tạo
Có thể nói mấy năm qua là giai đoạn khó khăn của ngành cao su. Giá mủ liên tục xuống thấp, cuộc sống của CN cũng chật vật hơn. Vì vậy, không chỉ nỗ lực tăng năng suất vườn cây, giảm giá thành xuống thấp hơn hoặc bằng giá bán, VRG còn luôn kêu gọi CN phát huy sáng tạo, đóng góp sáng kiến, giải pháp cải thiện cuộc sống của mình.
Thực tế, trước khó khăn, tinh thần năng động, sáng tạo của CN đã được phát huy.Minh chứng rõ nét là nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình ra đời, giải quyết được nhiều nỗi lo âu của cả lãnh đạo và tập thể CN. Điển hình là mô hình nuôi hươu lấy nhung và nuôi cá thành phẩm của vợ chồng anh Trần Duy Dương - chị Lê Thị Hồng Hạnh (Đội 3, Nông trường Thống Nhất - Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông). Mô hình trồng chanh dây của ông Đỗ Minh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp Cây giống phân bón, với 15 ha hiện cũng cho thu hoạch mang lại lợi nhuận lớn. Theo ông Tiến, trồng chanh dây tuy vất vả nhưng đây là giống cây có sức sống mãnh liệt nên không quá khó. Chỉ cần giá ổn định 5.000-10.000 đồng/kg là người trồng đã có lời.
Phong trào phát triển kinh tế gia đình có sức lan tỏa mạnh mẽ, kể cả với những gia đình CN còn khó khăn về nhà ở. Họ mạnh dạn đề xuất cho xen canh trong vườn cao su tái canh. Ngoài những mô hình truyền thống như cà phê, tiêu, CN còn có ý tưởng trồng chuối hoặc dưa lưới xen canh.
Ý tưởng trồng xen dưa lưới là của CN Lê Thu Thủy, Xí nghiệp Cây giống phân bón - Công ty Chư Prông. Ý tưởng táo bạo này đã nhận được sự đồng thuận của ban giám đốc và đồng nghiệp. Dù khó khăn nhưng qua thời gian thí nghiệm, mô hình này đã chứng thực tính khả thi và bước đầu có lãi. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để triển khai đại trà trên quy mô lớn. Đó cũng là cách để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống trong tình hình hiện nay” - chị Thủy kỳ vọng.
Bình luận (0)