Nhằm không làm đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, có hơn 1.100 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" trong gần 3 tháng qua với hơn 145.200 lao động. Thời điểm này, nhiều DN không đủ điều kiện triển khai "3 tại chỗ" đang rất muốn sớm được trở lại sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp nóng lòng
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cho biết sau khi tỉnh Đồng Nai triển khai kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong tình hình mới, công ty cũng lên kế hoạch để chuẩn bị quay trở lại sản xuất - kinh doanh.
Nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch, công ty quy định để được đi làm, người lao động (NLĐ) phải đáp ứng các điều kiện gồm: đang ở trong khu vực "vùng xanh" tại địa phương; đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19 (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 180 ngày; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. NLĐ khi vào làm việc sẽ được công ty tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào nhà máy. Những NLĐ nào đến thời điểm công ty hoạt động trở lại mà chưa đáp ứng các điều kiện trên thì tiếp tục ngừng việc cho đến khi có thông báo mới và được hưởng tiền lương ngừng việc bằng 50% mức lương tối thiểu (LTT) vùng. Theo ông Trường, gần 3 tháng qua, DN phải tạm dừng sản xuất để chống dịch do không thực hiện được phương án "3 tại chỗ". Trong thời gian này, công ty vẫn trả đủ tiền lương cho NLĐ bằng LTT vùng (170.000 đồng/người/ngày). Tuy nhiên, do số lượng công nhân quá đông lên tới gần 23.000 người, nếu cứ tiếp tục kéo dài e rằng nguồn lực công ty có hạn, khó đáp ứng được.
Trong khi đó, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho phép những NLĐ đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin được đi làm trở lại nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh.
Người lao động một công ty sản xuất “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong giờ làm việc
Trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2), cho biết cả công ty và NLĐ đều đang rất trông mong ngày được quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Đến nay, có 92% CN tại công ty đã được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19. DN đang tích cực đôn đốc, phối hợp để tiêm mũi 2 cho NLĐ. Tương tự, có khoảng 70% CN trong tổng số 65.000 CN của Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom) cũng đã được tiêm vắc-xin Covid-19 để chuẩn bị quay trở lại sản xuất.
Tính đến nay, trong tổng số 1,2 triệu CN toàn tỉnh, có hơn 320.000 NLĐ làm việc tại hơn 1.000 DN trong và ngoài KCN đã được tiêm. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập cho biết nhu cầu tiêm vắc-xin cho CN của các DN vẫn đang rất lớn. Các DN mong muốn sẽ sớm có thêm nhiều vắc-xin để tiêm cho NLĐ. Về đề xuất của các DN được quay trở lại hoạt động sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết chủ trương của tỉnh là giao quyền chủ động cho DN. DN căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình để lập kế hoạch sản xuất an toàn, ổn định. Chính quyền sẽ hỗ trợ DN về công tác tiêm vắc-xin, xét nghiệm, cách ly F1, điều trị F0 nếu có ca bệnh trong DN. Tỉnh đang cố gắng bằng nhiều cách để có thêm nhiều vắc-xin trong thời gian sớm nhất để tiêm cho người dân trong tỉnh nói chung và CN nói riêng.
Hỗ trợ khẩn cấp cho gần 286.000 công nhân
Thống kê của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, có khoảng 400.000 lao động trên địa bàn tỉnh phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên do các địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, thiết lập các vùng cách ly y tế; DN không đủ các điều kiện để tổ chức phương án "3 tại chỗ" để sản xuất; DN có ca F0 phải ngừng hoạt động sản xuất. Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền mặt cho gần 286.000 CN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền gần 111 tỉ đồng.
Bình luận (0)