. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những nội dung mới trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này? Những nội dung đó đã đáp ứng được sự kỳ vọng của người lao động (NLĐ) cũng như giúp điều chỉnh quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ chưa, thưa ông?
Ông NGỌ DUY HIỂU
- Ông NGỌ DUY HIỂU: Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này được xây dựng trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng; Hiến pháp 2013 đang được thi hành, Đảng ban hành nhiều nghị quyết mới về thể chế kinh tế thị trường, phát huy vai trò và tiềm năng các thành phần kinh tế, về đổi mới hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập, về cải cách chính sách tiền lương và BHXH… Trong bối cảnh đó, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã giải đáp được nhiều câu hỏi lớn, quan trọng mà thực tế đặt ra. Đó là các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động, đối thoại, thương lượng tập thể, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, bình đẳng giới, tuổi nghỉ hưu, giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện NLĐ…
Trong các nội dung mới, có những nội dung đã đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của NLĐ, có những nội dung còn khá xa so với kỳ vọng của họ. Tuy nhiên, mong muốn, kỳ vọng của NLĐ thì rất nhiều nhưng vấn đề mà chúng tôi đề cập ở đây là những nguyện vọng, mong muốn thực sự chính đáng, trong điều kiện Việt Nam có thể thực hiện được và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Qua tổng hợp, còn nhiều vấn đề NLĐ kiến nghị với các cấp Công đoàn (CĐ), phải tiếp tục chuyển tải, đề xuất với ban soạn thảo và Quốc hội để bộ luật thực sự "bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ và người sử dụng lao động"; "bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động", như những quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ Luật Lao động mà Chính phủ đề ra.
. Ông có thể cho biết quan điểm của ông và Tổng LĐLĐ Việt Nam về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm thêm?
- Đúng là trong các vấn đề mà NLĐ và các cấp CĐ quan tâm, đề xuất, góp ý nhiều nhất, nổi lên là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và làm thêm giờ. Tổng LĐLĐ đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến; đã chỉ đạo các cấp CĐ tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo, có mời thành phần là NLĐ trực tiếp. Qua tổng hợp cho thấy, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được NLĐ quan tâm nhiều nhất, phần lớn NLĐ sản xuất trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Các cấp CĐ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phân tích, tổng hợp và bày tỏ quan điểm với ban soạn thảo.
Về quan điểm chung, chúng tôi đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ, bảo đảm có lộ trình và thu hẹp dần khoảng cách về giới. Tuy nhiên, hầu hết NLĐ cho rằng cần phải cân nhắc kỹ đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực lao động và có cơ chế linh hoạt, bảo đảm quyền nghỉ hưu sớm của NLĐ. Các ý kiến đề xuất có thể tăng tuổi nghỉ hưu đối với tất cả công chức, phần lớn viên chức và một bộ phận NLĐ ở khu vực doanh nghiệp (DN). Số còn lại cần được nghỉ hưu sớm và số năm được nghỉ hưu sớm có thể từ 5 đến 10 năm. Ngoài đối tượng bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phải đặc biệt chú ý đến lao động ở một số công việc, nghề đặc biệt, nhất là NLĐ trực tiếp ở những ngành thâm dụng lao động, nghề mà họ không thể phát huy hiệu quả lao động khi lớn tuổi như giáo viên mầm non, tiểu học, nghệ sĩ xiếc, vận động viên thể thao… Chính phủ cần trình kèm dự thảo Nghị định quy định các nghề, công việc được nghỉ hưu sớm.
Với điều kiện làm việc còn nhiều vất vả, công nhân da giày không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Chúng ta phải đánh giá kỹ, toàn diện tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu, mặc dù đây là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Phải đặt tăng tuổi nghỉ hưu với vấn đề phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, của tình trạng người trẻ chưa có việc làm còn nhiều (trong bối cảnh nước ta đang giảm biên chế); của tâm lý, động lực làm việc của người lớn tuổi; của mong muốn, nhu cầu sử dụng lao động trẻ hay lao động lớn tuổi của người sử dụng lao động (tình trạng sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trước tuổi 40, 45 đang diễn ra khá phổ biến); của sức khỏe NLĐ, môi trường làm việc và đặc thù nghề nghiệp (phần lớn lao động ở nước ta hiện nay là lao động thủ công, cơ bắp, dùng sức người).
Dự thảo mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Khi lấy ý kiến NLĐ, một bộ phận NLĐ đồng tình với phương án này nhưng kèm theo các điều kiện: phải thỏa thuận với NLĐ khi làm thêm giờ; giới hạn số giờ làm thêm của một ngày và một tháng; ngoài tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện hành, cần trả lương theo phương án lũy tiến. Ví dụ: NLĐ làm thêm giờ đầu được trả 5 USD, giờ thứ hai được trả 6,5 USD, giờ thứ ba được trả 7,5 USD và giờ thứ tư được trả 9 USD. Cách trả lương lũy tiến để bảo đảm quyền lợi NLĐ, đồng thời hạn chế tình trạng DN lợi dụng huy động tối đa giờ làm thêm để tránh phải tuyển dụng thêm lao động đáp ứng yêu cầu về quy mô phát triển của DN.
. Ngoài 2 vấn đề lớn như ông vừa nêu, còn có những vấn đề nào mà NLĐ quan tâm gửi gắm trong việc sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này, thưa ông?
- Còn nhiều vấn đề khác nữa, trong đó có mấy vấn đề nổi lên mà Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, đề xuất với ban soạn thảo. Đó là cần hình thành một cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể thực sự mới, có tính đột phá. Đây là mô hình cơ quan tài phán chuyên nghiệp, loại bỏ mô hình cơ quan trọng tài và giao quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp lao động hiện nay không đi vào đời sống, có mô hình nhưng không giải quyết được vụ việc nào trên thực tế. Nghiên cứu, quy định chế độ làm việc chính thức khu vực doanh nghiệp là 44 giờ/tuần thay cho 48 giờ/tuần như hiện nay. Trên thực tế, khu vực công chức của chúng ta đang duy trì chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Bản thân NLĐ cũng mong muốn được nghỉ thêm chiều thứ bảy để có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, tái tạo sức lao động. Đề xuất mỗi năm DN bố trí cho NLĐ nghỉ từ 1 - 2 ngày được hưởng nguyên lương để học tập chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế cơ quan. Quy định này rất có ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức của NLĐ, hạn chế mâu thuẫn, xung đột giữa NLĐ với người sử dụng lao động, hạn chế ngừng việc tập thể và đình công trái pháp luật. Nhiều NLĐ mong muốn quy định vấn đề tổ chức bữa ăn ca vào trong luật để xác định trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, hạn chế tình trạng bữa ăn thiếu dinh dưỡng hoặc ngộ độc thực phẩm diễn ra như những năm vừa qua.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-5
Bình luận (0)