Luật Việc làm gồm 7 chương, 62 điều, điều chỉnh các quan hệ về việc làm, bao gồm các quy định về 5 nội dung chính: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (NLĐ), thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), quản lý nhà nước về việc làm.
Thay đổi một số quy định về BHTN
Theo đó, các quy định về BHTN (Chương V) của Luật BHXH số 71/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.
Một trong những điểm đáng lưu ý của luật này là sửa đổi về đối tượng tham gia BHTN, điều kiện hưởng, mức hưởng và các chế độ BHTN. Cụ thể, ngoài NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ từ đủ 12 tháng trở lên thì NLĐ có HĐLĐ từ 3 đến dưới 12 tháng cũng thuộc đối tượng tham gia BHTN bắt buộc. Doanh nghiệp (DN) chỉ cần ký kết HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia BHTN bắt buộc thay vì trước đây chỉ DN sử dụng từ 10 lao động trở lên mới phải tham gia (Chương 6, mục 1, điều 43).
Theo điều 49 (thuộc mục 3, chương 6) điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) của NLĐ cũng khác nhau tùy thuộc thời hạn ký kết HĐLĐ. Cụ thể, đối với lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn và thời hạn từ đủ 12 tháng thì phải có thời gian đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi mất việc. Nếu làm việc theo HĐLĐ từ đủ 3 đến dưới 12 tháng thì phải có thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng.
Điều 50 cũng chỉ rõ mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi mất việc nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng và không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với khu vực nhà nước. Riêng mức đóng BHTN vẫn không thay đổi, NLĐ sẽ đóng 1% tiền lương, còn DN đóng 1% quỹ lương tháng. Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN. Cụ thể, NLĐ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN. Sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm hưởng TCTN được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN.
Nhiều cơ hội tiếp cận việc làm
Luật Việc làm đề cập nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ. Luật đã cụ thể hóa đối tượng được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, bao gồm DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, NLĐ. Nếu đối tượng vay vốn sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số thì được ưu tiên áp dụng mức lãi suất thấp hơn. Về điều kiện vay vốn, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã phải có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định. Đồng thời, dự án vay vốn phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án và phải có bảo đảm tiền vay. Nếu đối tượng vay là NLĐ thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm; cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án.
Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho NLĐ ở khu vực nông thôn được thực hiện thông qua việc hỗ trợ học nghề (dưới 3 tháng hoặc trình độ sơ cấp nghề); tư vấn, giới thiệu việc làm và vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Song song đó, nhà nước hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh để khuyến khích giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ ở khu vực nông thôn (vay vốn, cung cấp thông tin thị trường lao động, miễn, giảm thuế theo quy định; đề cập tại mục 2 của Chương 2).
Chính sách việc làm công là chính sách mới nhằm cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho NLĐ thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã. Các hoạt động bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng tại địa phương.
Ngoài ra, Luật Việc làm cũng đã quy định chính sách khuyến khích và hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc làm ở nước ngoài theo hợp đồng…
Chú trọng thông tin thị trường lao động
Lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, cụ thể là Luật Việc làm, gồm: Tình trạng, xu hướng việc làm; thông tin về cung - cầu lao động, biến động cung - cầu lao động trên thị trường lao động; thông tin về lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam và NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thông tin về tiền lương, tiền công.
Bình luận (0)