Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM nhưng hơn 1 năm qua, Nguyễn Hoài Tú (quê Bến Tre) vẫn chưa tìm được việc làm. Do bị liệt 2 chân từ nhỏ nên Tú không may mắn có được việc làm như các bạn cùng trang lứa. “Trước đây, có công ty nhận vào làm việc nhưng do sức khỏe yếu nên tôi không cạnh tranh lại đồng nghiệp. Ngoài ra, khi giao việc, lãnh đạo công ty luôn đắn đo vì sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi” - Tú kể.
Khó có việc làm
Dễ dàng nhận thấy tại các sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM luôn thiếu sự góp mặt của lao động khuyết tật. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) hầu như không có nhu cầu tuyển dụng đối tượng này hoặc rao tuyển với số lượng rất ít. Ghi nhận tại Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2014 đã tư vấn việc làm cho 1.473 người khuyết tật (NKT), trong đó có 300 người có việc làm ổn định. Bà Nguyễn Thị Nhung, phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho NKT nhưng DN vẫn ngại tuyển dụng đối tượng này. Giúp NKT có việc làm, chúng tôi phải chủ động đưa thông tin ứng viên đến từng DN trong các phiên giao dịch để họ có cơ hội kết nối cùng DN”.
Đồng hành cùng nhiều chương trình thúc đẩy việc làm cho NKT của các tổ chức trong và ngoài nước, bà Huỳnh Ngọc Bích, phụ trách bộ phận hỗ trợ việc làm của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cũng thừa nhận số lượng NKT ứng tuyển cũng như DN rao tuyển lao động khuyết tật tại các sàn giao dịch, hoạt động nghề nghiệp tại TP là rất ít. Nhiều DN đã đến DRD đưa nhu cầu tuyển NKT và trong quá trình thử việc, do không được giao công việc phù hợp nên nhiều NKT không theo kịp tốc độ làm việc của đồng nghiệp, dẫn đến bỏ việc giữa chừng.
Hiện Việt Nam có 6,7 triệu NKT, chiếm khoảng 8% dân số, trong đó 20% bị đa tàn tật (vừa câm vừa điếc hoặc bị khiếm khuyết cả về vận động, thị giác, trí tuệ...). Thế nhưng, chỉ gần 6% NKT học hết THPT, hơn 20% có trình độ THCS. Riêng khảo sát về đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT tại Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy 93,5% NKT không có trình độ chuyên môn và chỉ 6,5% NKT có chứng chỉ đào tạo nghề. Không có tay nghề cộng với hoạt động xúc tiến việc làm dành cho NKT còn hạn chế nên cơ hội việc làm đối với NKT ngày càng bó hẹp.
Không chỉ thiếu cơ hội ráp nối với DN, lao động khuyết tật còn chịu nhiều thiệt thòi khi họ chưa thực sự với tới các chính sách việc làm. Theo bà Huỳnh Ngọc Bích, hiện cả nước có 70% NKT đang trong độ tuổi lao động nhưng chỉ 30% trong số đó có thu nhập ổn định. Điều này cho thấy NKT vẫn còn nằm ngoài hệ thống việc làm, dễ lâm vào tình cảnh đói nghèo.
Bà Võ Kim Hương, chủ cơ sở Thiện Tâm Hương, thừa nhận do thiệt thòi về tâm sinh lý, sức khỏe, ngoại hình... nên NKT khó hòa nhập với thị trường lao động. Khi tuyển lao động khuyết tật, DN phải bỏ công sức và thời gian dài đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ. Vì vậy, nhiều DN có tâm lý e ngại ứng viên khuyết tật. “Nếu được giao công việc phù hợp với bản thân, NKT có thừa khả năng làm tốt. Hơn 20 nhân viên khuyết tật ở cơ sở của tôi làm việc không thua gì người bình thường” - bà Hương khẳng định.
Nhiều hoạt động hỗ trợ NKT
Theo Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ NKT Việt Nam, tính đến tháng 12-2013, cả nước đã dạy nghề cho khoảng 80.000 NKT thông qua các chương trình Mục tiêu quốc gia về dạy nghề và giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) duy trì nhiều hoạt động tôn vinh, khen thưởng DN, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thúc đẩy việc làm cho NKT.
Bình luận (0)