Mới đây, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) Chi nhánh Nhà Bè đã khai trương điểm giao dịch KCX Tân Thuận tại Trung tâm Sinh hoạt công nhân (CN) KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM). Đây là điểm giao dịch đầu tiên được CEP đặt tại KCX-KCN, đánh dấu sự thay đổi về mô hình tiếp cận CN trực tiếp sản xuất tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố.
Tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho công nhân
Ông Nguyễn Vũ Ngân Sơn, Giám đốc Chi nhánh CEP Nhà Bè, cho biết hiện KCX Tân Thuận có khoảng 61.000 CN đang làm việc tại 156 doanh nghiệp (DN). Nhu cầu vay vốn của họ rất cao do cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Trong khi đó, Chi nhánh CEP Nhà Bè chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của người lao động (NLĐ) do gặp nhiều khó khăn về điều kiện giao dịch như không có địa điểm giao dịch, thời gian tiếp cận và giao dịch với CN chỉ có thể thực hiện vào khung giờ nghỉ trưa của các DN... Tính đến cuối năm 2021, Chi nhánh CEP Nhà Bè chỉ mới phối hợp chính thức với 59 đơn vị, hỗ trợ vay vốn cho 5.500 CN. Do vậy, việc thành lập điểm giao dịch tại KCX là rất cần thiết, giúp giải quyết các vấn đề về khoảng cách, thời gian, tạo thuận lợi cho CN tiếp cận với CEP.
Nhân viên tín dụng Chi nhánh CEP Nhà Bè (bên trái) tư vấn cho công nhân tại điểm giao dịch KCX Tân Thuận
Sau khi điểm giao dịch đi vào hoạt động, 17 nhân viên của Chi nhánh CEP Nhà Bè sẽ luân phiên trực để tư vấn cho CN về các sản phẩm tín dụng, tiết kiệm và chương trình phát triển cộng đồng của CEP, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu hồi vốn vay và tiết kiệm... Mục tiêu đến cuối năm 2026, điểm giao dịch sẽ phục vụ cho gần 11.000 CN.
"Chúng tôi sẽ luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để từ đó cải thiện, bổ sung các gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn, góp phần giúp CN vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống. Hiệu quả hoạt động của điểm giao dịch này sẽ là tiền đề để CEP tiến đến thành lập thêm các điểm giao dịch tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố, góp phần chung tay với tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi và cung cấp tài chính hiệu quả cho CN" - ông Sơn cho hay.
Đánh giá về mô hình hoạt động mới của CEP, ông Nguyễn Thái Thành, Bí thư Đảng ủy KCX Tân Thuận, cho biết thời gian qua, CEP đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Công đoàn các KCX-KCN TP và rất tích cực trong hoạt động hỗ trợ vốn cho NLĐ tại KCX, giúp họ tạo thêm việc làm, học tập nâng cao tay nghề... Việc thành lập điểm giao dịch là bước tiếp theo trong công tác phối hợp giữa các bên để tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận với các sản phẩm tín dụng, tiết kiệm và phát triển cộng đồng của CEP. Điều này đặc biệt ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ.
Đáp ứng nguyện vọng đoàn viên
Việc thành lập điểm giao dịch tại KCX sẽ là khởi đầu tốt để CEP mở rộng hoạt động tại KCX Tân Thuận. Hiện có khoảng 15 Công đoàn cơ sở bày tỏ mong muốn được phối hợp với CEP để đưa nguồn vốn đến tay NLĐ.
Bà Quan Ngọc Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghiệp Tempearl, cho biết NLĐ ở công ty biết đến CEP và mong muốn được tiếp cận với CEP từ rất lâu. Tuy nhiên, phải có sự đồng ý của lãnh đạo DN thì CEP mới tiếp cận được với NLĐ. Chưa hết, giám đốc công ty là người nước ngoài chưa hiểu về hoạt động CEP nên rất e ngại việc triển khai vốn. Do vậy, việc CEP có điểm giao dịch tại KCX là rất phù hợp, vừa tạo niềm tin với DN cũng như thuận lợi cho Công đoàn cơ sở trong công tác phối hợp, qua đó giải quyết các nhu cầu về vốn đang rất cấp bách của CN sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh.
Ngay sau khi thành lập, điểm giao dịch KCX Tân Thuận đã phát vay cho 7 CN làm việc tại KCX. Chị H’ Nguyệt Phôk (dân tộc M’Nông), CN Công ty TNHH Kỹ thuật Popopto, là một trong số đó. Đợt này, chị Nguyệt Phôk vay 10 triệu đồng để giúp cha mẹ sửa nhà. Chị kể căn nhà ở Đắk Lắk của gia đình hư hỏng đã lâu nhưng chưa có điều kiện để sửa chữa. Hai năm qua, dịch bệnh khiến thu nhập của chị giảm sút, có những tháng ngưng việc, chỉ được hỗ trợ lương 1 triệu đồng/tháng, vừa đủ trả tiền nhà, điện nước, chị phải chạy vạy khắp nơi để có 1,2 triệu đồng mỗi tháng gửi về cho cha mẹ già. Hiện công việc của chị đã tạm ổn định, chị đang cố gắng làm việc để trả dứt các khoản nợ trước, chỉ duy nhất nỗi lo cha mẹ phải ở nhà cửa dột nát khiến chị bất an. "Tôi có tìm hiểu và thấy lãi suất CEP thấp hơn nhiều so với vay bên ngoài, lại có nhiều chương trình hỗ trợ nên mạnh dạn vay 10 triệu đồng. Chỉ hy vọng gia đình có cuộc sống tốt hơn" - chị H’ Nguyệt Phôk tâm sự.
Bình luận (0)