Để đáp ứng tiêu chí tuyển dụng vào vị trí lái xe vận hành cần trục tại Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ thương mại A.P (TP Hà Nội), ông N.Đ.Đ đã mua bằng tốt nghiệp trung cấp đào tạo nghề vận hành cần trục giả trên mạng. Do không phát hiện bằng giả, công ty này đã tuyển dụng và ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với ông Đ.
20 ngày có bằng tốt nghiệp
Khi vào làm việc, ông Đ. được giao vận hành, điều khiển cần trục để vận chuyển hàng hóa lên các phương tiện tại khu vực bãi xe của công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng phân công 2 nhân viên khác hỗ trợ ông Đ. khi cẩu hàng hóa lên phương tiện vận chuyển.
Ngày 4-9-2019, trong lúc 2 nhân viên hỗ trợ đang đi tìm dụng cụ cắt dây thép, ông Đ. được ông P.V.D (lái ôtô đầu kéo đến lấy hàng) đề nghị cẩu hàng lên xe. Ông D. nói sẽ hỗ trợ móc hàng lên cẩu và ra tín hiệu để ông Đ. thực hiện. Khi ông Đ. điều khiển cần trục cẩu cấu kiện lên xe chở hàng thì cấu kiện bị xô lệch, va chạm vào người ông D. làm ông ngã xuống đất và tử vong sau đó do chấn thương nặng. Sau vụ tai nạn, phía công ty và ông Đ. đã bồi thường cho gia đình ông D. 130 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Đ. khai do có nhu cầu xin việc làm nên thông qua mạng internet, một đối tượng đã đồng ý làm giả văn bằng nghề đào tạo vận hành cần trục cho ông với giá 2,5 triệu đồng. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân và hình ảnh, khoảng 20 ngày sau, ông Đ. nhận được một bằng tốt nghiệp trung cấp nghề giả với thông tin nơi cấp là một trường trung cấp nghề tại TP Hà Nội thông qua đường bưu điện. Với hành vi này, ông Đ. đã bị truy tố 2 tội danh là "Vi phạm quy định về an toàn lao động" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Trong phiên tòa phúc thẩm do TAND TP Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 3-2023, HĐXX đã tuyên phạt ông Đ. 12 tháng tù về 2 tội danh trên.
Tương tự, dù không có chứng chỉ kiểm định viên nhưng ông N.Q.N, cộng tác viên Công ty TNHH Kiểm định kỹ thuật an toàn M.N (TP HCM), lại mạo nhận là kiểm định viên để thực hiện kiểm định vận thăng lồng cho Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng P.V (tỉnh Nghệ An). Do không có chuyên môn nên ông N. không phát hiện được cụm phanh chống rơi của vận thăng này đã hết hạn sử dụng trên 12 năm theo quy định của nhà sản xuất, dẫn đến khi vận thăng được đưa vào sử dụng tại công trường xây Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã bị rơi làm 3 người chết, 8 người bị thương. Sau vụ việc trên, ông N. đã bị tòa xử 4 năm tù giam.
Trung thực thông tin cá nhân khi đi xin việc giúp người lao động tránh những thiệt hại về sau
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc sử dụng bằng cấp giả để xin việc có thể giúp người lao động (NLĐ) tìm được việc làm như mong muốn nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi bị phát hiện.
Cách đây ít lâu, phát hiện một số nhân viên sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả khi ứng tuyển, Phòng Nhân sự Công ty TNHH F.V (TP Hải Dương) đã tố giác với cơ quan công an. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương đã xác định 4 nhân viên của công ty có hành vi làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Số giấy tờ được các cá nhân làm giả và sử dụng gồm: bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp công nghệ kỹ thuật ôtô; bằng kỹ sư kỹ thuật điện, điện tử và bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề của Trường ĐH Sao Đỏ (TP Hải Dương), Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (TP Hà Nội) và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM). Theo lời khai của các nhân viên, số bằng cấp giả này được họ mua qua mạng xã hội với giá từ 2-15 triệu đồng. Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, đối với hành vi sử dụng hay làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.
Bên cạnh đó, theo Bộ Luật Lao động, nghĩa vụ của NLĐ khi giao kết HĐLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động. Trường hợp NLĐ cung cấp bằng cấp, chứng chỉ hay hồ sơ giả là vi phạm pháp luật và HĐLĐ đã ký có thể bị tuyên vô hiệu, khiến NLĐ có thể mất việc làm và quyền lợi cũng bị ảnh hưởng. "Đối với người sử dụng lao động, khi tuyển dụng nhân viên cần kiểm tra kỹ lưỡng về nhân thân và các giấy tờ, tài liệu mà họ cung cấp. Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp tránh được những thiệt hại không đáng có về sau" - luật sư Tín nói.
Bình luận (0)