Đây cũng là vấn đề được đưa ra mổ xẻ ở nhiều diễn đàn. Không thể phủ nhận, lao động phổ thông tại Việt Nam có trình độ không đồng đều; kỷ luật, tác phong lao động còn kém xa so với các nước phát triển. Tuy nhiên, năng suất lao động thấp cũng không thể đổ lỗi hết cho họ.
Mới đây, tại một cuộc họp với các lãnh đạo TP, một nữ cán bộ Công đoàn đã thẳng thắn phản bác ý kiến cho rằng năng suất lao động người Việt thấp. Chị cho biết tại đơn vị mình, ban giám đốc cũng nhiều lần đặt vấn đề về trình độ, năng suất lao động của công nhân. Tuy nhiên, chị không đồng tình.
"Nhiều người quy kết năng suất của lao động Việt Nam thấp. Theo tôi, điều này không đúng. Năng suất lao động muốn cao, ngoài trình độ tay nghề của người lao động (NLĐ) còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Một doanh nghiệp (DN) mà máy móc cũ kỹ, hao mòn từ năm này qua năm khác cũng không được đầu tư cải tiến, thay mới trong khi cơ cấu nhân sự quản lý không phù hợp, sắp xếp lao động không khoa học thì không thể yêu cầu công nhân cho năng suất cao được" - chị lý giải.
Có thể có năng suất lao động cao với công cụ sản xuất thế này không?
Nữ cán bộ Công đoàn này là một trong những lao động giỏi tại đơn vị, mỗi năm đều cho ra đời 1-2 sáng kiến để từng bước nâng cao năng suất lao động, làm lợi cho DN. Theo chị, muốn năng suất có một bước tiến đáng kể thì ngoài yêu cầu công nhân phải sáng tạo, DN phải bắt kịp công nghệ và chấp nhận đầu tư.
Vấn đề chị đưa ra được hầu hết đại biểu tham dự đồng tình. Nhiều người cho rằng chúng ta đang lo ngại về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ làm mất đi ưu thế lao động giá rẻ nên mục tiêu là phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết DN tại Việt Nam không đầu tư máy móc, công nghệ; thay vào đó, NLĐ vẫn phải cật lực tăng ca.
Trong tình trạng luôn phải làm việc với cường độ quá cao như thế, NLĐ thậm chí còn khó hòa nhập cuộc sống, nói gì đến tập trung học tập, nâng cao tay nghề để kéo năng suất lao động của Việt Nam đi lên? Vì vậy, đừng chỉ biết chê mà hãy nhìn vào thực tế!
Bình luận (0)