Ngày 20-7, tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất để bàn, thương lượng phương án tiền lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017. Do đây là cuộc họp kín nên báo chí không được tham dự, tiếp cận.
3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017
Phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm 3 bên: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra trong cả ngày 20-7 nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án tăng LTT vùng năm 2017.
Tiền lương hiện nay vẫn chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động Ảnh: THANH NGA
Tại cuộc họp, sau khi đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, mức sống của người dân, người lao động (NLĐ), dự báo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, các nguyên tắc xét duyệt tiền lương..., bộ phận kỹ thuật của hội đồng đã đưa ra 3 phương án: Tăng 10% với mức tăng thêm từ 250.000-350.000 đồng/tháng; tăng 8,1% (từ 230.000 -300.000 đồng/tháng) và 7,8% (từ 200.000-250.000 đồng/tháng).
Đại diện NLĐ, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất phương án tăng LTT ở mức tuyệt đối từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng (tỉ lệ tăng bình quân là khoảng 11,11%). Trong khi đó, cũng nhìn nhận và chia sẻ khó khăn với NLĐ song đại diện cho người sử dụng lao động là VCCI chỉ đề xuất mức tăng là 5%. Lý do VCCI đưa ra là hiện các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn, nếu mức LTT tăng cao sẽ kéo theo các chi phí khác như BHXH, BHYT cũng tăng theo, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất của DN.
Chia sẻ khó khăn với NLĐ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Quảng, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng phiên thương lượng lần thứ nhất tuy vẫn còn căng thẳng nhưng cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi tất cả các bên đều có cái nhìn chung là chia sẻ khó khăn với NLĐ. “Các bên vì đại diện và bảo vệ quyền lợi của mình nên đều có sự khác biệt. Tổng LĐLĐ Việt Nam năm nay cũng đã đưa ra một mức tăng tương đối khiêm tốn so với mọi năm” - ông Quảng nhận xét.
Một tín hiệu tích cực khác được ghi nhận là đa số thành viên tham gia thương lượng đã thống nhất xác định được nhu cầu sống tối thiểu. Dù vậy, hội đồng vẫn chưa thống nhất “chốt” phương án tăng LTT vùng năm 2017 mà sẽ tiếp tục thảo luận thêm trong phiên thương lượng thứ hai, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 8-2016.
“Với phương án tăng mức LTT vùng bình quân 11,11% mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra sẽ đáp ứng được khoảng trên 90% đời sống tối thiểu của NLĐ; còn lại gần 10% nữa, theo lộ trình đến năm 2018 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ” - ông Quảng cho biết thêm.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam - Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM):
Công nhân đang “sống mòn”
Tăng LTT hiện nay chưa theo kịp các quy định của pháp luật lao động. Lần này tăng như thế nào để đến năm 2018 theo đúng lộ trình đã đề ra? Giả sử năm 2017 và 2018 phải tăng tổng cộng 10% nữa mới đúng lộ trình thì năm nay nên tăng khoảng 60%-65% con số đó, phần còn lại năm 2018 sẽ tăng vì từ năm 2018, các DN phải tính đóng BHXH tất cả thu nhập của NLĐ nên trong trường hợp năm nay VCCI đòi tăng ít thì năm sau sẽ phải tăng nhiều cộng đóng bảo hiểm toàn phần thì DN sẽ không chịu nổi. Và VCCI sẽ dựa vào đó đề nghị giãn lộ trình này ra. Giãn đến bao giờ? Và sẽ thành tiền lệ xấu về sau, quy định của luật pháp không còn nghiêm minh nữa, rồi cứ xin hoãn, xin giãn mãi...
Còn về đời sống công nhân (CN), cứ lấy dữ liệu thống kê thành phần đang vay nợ từ các ngân hàng, vay xã hội đen đa số là NLĐ, CN ở các nhà máy. Hiện tại, lương của họ chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng nghỉ 1 ngày là đói 1 ngày, chỉ “sống mòn” qua ngày thôi; chi phí nuôi con, báo hiếu cha mẹ, để dành tiền khi đau bệnh... thường phải vay mượn, tiêu trước trả sau, cứ như thế... Những CN không đủ chi phí nuôi bản thân nhưng họ vẫn phải lấy vợ, lấy chồng và sinh ra một thế hệ trẻ em thấp còi, suy dinh dưỡng... Ai sẽ chịu trách nhiệm về điều này?
Chị Trần Ái Vy - Công ty Freetrend, KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức, TP HCM):
Cứ thiếu trước, hụt sau
Đa số CN đang làm việc tại các DN đều phải làm thêm. Công ty nào có nhiều đơn hàng thì có thể tăng ca, kiếm thêm thu nhập. Ở các DN ít đơn hàng, không thể tăng ca thì CN phải đi làm thêm bên ngoài. Các bạn ở xóm trọ của tôi đều tìm thêm việc để làm: bán hàng, phục vụ quán ăn, giữ xe, đan len, may gia công, làm đồ thủ công mỹ nghệ… Số tiền tuy chẳng là bao nhưng cũng giúp bữa ăn của chúng tôi có thêm chút thịt, cá hay hộp sữa cho con.
Chịu cảnh xa quê, chúng tôi chỉ mong muốn kiếm một công việc ổn định, có mức thu nhập kha khá để lo cho con cái, người thân và tích lũy để sau này về quê buôn bán hoặc làm nghề gì đó nhưng cuộc sống cứ thiếu trước, hụt sau nên không biết bao giờ mới thực hiện được ước mơ của mình. Chúng tôi mong Hội đồng Tiền lương quốc gia có sự cân nhắc, bàn bạc kỹ trước khi tham mưu cho Chính phủ quyết định.
Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Triple (huyện Củ Chi, TP HCM):
Không đủ sống, lấy gì tích lũy?
DN không thể đòi hỏi NLĐ tận tâm làm việc và cống hiến lâu dài nếu trả lương bèo bọt. Thực tế, nếu DN cứ bám lấy nền LTT để trả cho NLĐ thì chẳng có ai làm việc cho DN và điều này rõ ràng là gây bất lợi cho DN. Nhiều chủ sử dụng lao động hiểu rõ chỉ có chính sách tiền lương thỏa đáng thì mới có thể giữ chân CN nên đã chủ động phối hợp với tổ chức Công đoàn xây dựng cơ chế đãi ngộ hợp lý để động viên họ. Nói cách khác, DN hiểu rằng quy định về LTT chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và chẳng giúp ích được gì cho NLĐ. Số lượng lao động nhập cư tại các TP lớn chiếm hơn 80% và đây là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất. Ngoài tiền lương, để cải thiện thu nhập, họ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là tăng ca song điều này ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Tôi kiến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét điều chỉnh mức nâng phù hợp, ít nhất phải từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, để NLĐ đỡ vất vả, khó khăn. Tuy mức tăng đó không phải là nhiều nhưng chúng tôi thấy ấm lòng vì được quan tâm.
T.Nga - H.Đào - K.An ghi
Bình luận (0)