Mới đây, do không đồng tình với việc ban giám đốc thay đổi hình thức trả lương từ thời gian sang sản phẩm, hơn 1.000 công nhân (CN) Công ty TNHH N.L (quận 12, TP HCM) đã ngừng việc. Tập thể CN cho rằng hình thức trả lương mới không chỉ làm họ giảm thu nhập mà còn gây thiệt thòi quyền lợi BHXH về lâu dài.
Thiệt hại kép
Theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký với công ty, hình thức trả lương là theo thời gian. Thế nhưng, cuối tháng 12-2021, từng nhóm CN được gọi lên văn phòng và yêu cầu ký vào biên bản thỏa thuận thay đổi hình thức trả lương từ thời gian sang lương thưởng năng suất (lương sản phẩm).
Theo tính toán của nhiều CN, hình thức trả lương mới này gây thiệt thòi cho họ, nhất là những trường hợp làm việc lâu năm. Cụ thể, một CN làm việc gần 19 năm đang hưởng lương và đóng BHXH ở mức gần 10 triệu đồng/tháng, khi chuyển sang hình thức trả lương mới chỉ được hưởng mức lương cơ bản khoảng 4,9 triệu đồng/tháng, ngang bằng mức lương CN mới. Cùng với đó, một số khoản phụ cấp như nhà trọ, xăng xe (khoảng 400.000 đồng/người/tháng)… cũng bị cắt bỏ. Mức đóng BHXH sẽ căn cứ theo mức lương mới nên các quyền lợi mà CN được hưởng cũng sẽ giảm nhiều. Trên danh nghĩa là thỏa thuận nhưng công ty gây áp lực cho CN bằng cách yêu cầu họ ngồi lại văn phòng đến 18 giờ mới được về và điều này khiến họ bức xúc.
Công nhân Công ty TNHH N.L ngừng việc phản ứng việc doanh nghiệp thay đổi hình thức trả lương
Đối thoại với tập thể CN, phía công ty cho rằng việc chuyển đổi hình thức trả lương là cần thiết để tăng năng suất lao động, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, công ty khẳng định không ép buộc NLĐ ký vào biên bản thỏa thuận và việc tính lương sản phẩm chỉ là bước thử nghiệm. Sau thời gian thí điểm, NLĐ có thể so sánh giữa 2 hình thức trả lương. Nếu không đồng ý, CN vẫn sẽ hưởng lương thời gian như cũ. Dù vậy, trước phản ứng quyết liệt của tập thể CN, công ty quyết định giữ cách tính lương theo thời gian.
Phải hài hòa lợi ích
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng CN Công ty TNHH N.L mà nhiều CN đang làm việc và hưởng lương thời gian tại các DN khác cũng tỏ ra e ngại khi đề cập việc chuyển đổi sang hình thức trả lương theo sản phẩm.
Về lý thuyết, ưu điểm của hình thức trả lương theo sản phẩm là ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít. Ai làm năng suất cao sẽ có điều kiện cải thiện thu nhập. Thế nhưng, đã có không ít DN lợi dụng hình thức trả lương này để tùy ý giảm lương thông qua việc điều chỉnh đơn giá sản phẩm, gây thiệt thòi cho người lao động (NLĐ). Lo ngại này của NLĐ không phải không có cơ sở vì trước đây, tại Công ty TNHH G.P (quận Tân Phú, TP HCM) cũng đã xảy ra tranh chấp lao động liên quan đến vấn đề này. Theo đó, dù trả lương theo sản phẩm nhưng công ty này không công khai đơn giá. Đơn giá sản phẩm liên tục bị điều chỉnh giảm, thậm chí cùng 1 mã đơn hàng nhưng giá tháng này thấp hơn tháng trước. Đơn giá rẻ mạt cộng thêm việc làm thêm không được hưởng tiền chênh lệch (do tính lương sản phẩm) dẫn đến tình trạng nhiều CN tăng ca đến 70 giờ/tháng nhưng chỉ nhận được khoản thu nhập chưa bằng lương tối thiểu vùng. Sau khi xảy ra ngừng việc, công ty đã buộc phải điều chỉnh đơn giá và chi thêm 1,2 tỉ đồng để trả lương cho CN.
Ông Nguyễn Phú Sơn - phó giám đốc một công ty may mặc tại huyện Hóc Môn, TP HCM - nhìn nhận trả lương theo sản phẩm đang là xu thế được nhiều DN lựa chọn, nhất là DN thâm dụng lao động. Hình thức trả lương này sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, ở góc độ NLĐ thì về lâu dài không có lợi, bởi họ chỉ có thể chạy theo năng suất khi còn trẻ, khỏe. Ở các ngành dệt may, giày da, sau 40 tuổi thì năng suất NLĐ sẽ giảm, dẫn đến nghịch lý càng có thâm niên thì thu nhập càng giảm, do không đạt định mức lao động. "Dù trả lương theo hình thức nào thì cũng cần dung hòa lợi ích 2 bên, không nên đẩy thiệt thòi cho NLĐ. Khi tính lương sản phẩm, ngoài công khai đơn giá gia công, DN nên có giải pháp hỗ trợ lao động lớn tuổi. Qua đó, tạo động lực cho lực lượng lao động trẻ gắn bó, góp phần ổn định nguồn nhân lực lâu dài" - ông Sơn bày tỏ.
Bình luận (0)