Những lần trước, ông viện đủ lý do để không đến hoặc cử người không đủ thẩm quyền đến dự. Kết quả là không thể giải quyết được khiếu nại của người lao động. Cho đến lần này, khi được thông báo nếu ông không đến thì chúng tôi sẽ lập biên bản hòa giải không thành và chuyển vụ việc cho tòa án giải quyết thì ông mới xuất hiện. Ngay sau khi nghe trình bày nội dung vụ việc, ông nhận ra ngay cái sai của công ty và chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người lao động. Sau khi ký biên bản hòa giải thành, ông quay sang người trợ lý của mình: "Các anh mần ăn kiểu gì mà sai tè le vậy?".
Tôi không biết ông nói cho đỡ xấu hổ hay thật sự ông đã bị cấp dưới vượt quyền, qua mặt làm những việc trái luật. Trưởng phòng nhân sự của công ty đã ký thông báo buộc thôi việc người lao động và ra lệnh cho bảo vệ cấm cửa người ta với lý do hết sức mơ hồ là "có thái độ không đúng mực với cấp trên". Đáng nói, việc làm này giám đốc chẳng biết, chẳng hay. Ông "đổ thừa" là do bận nhiều việc và tin tưởng cấp dưới nên không kiểm tra. Kết quả là cấp dưới của ông đã tự tung tự tác, chèn ép người lao động và vi phạm pháp luật dẫn đến khiếu nại, tranh chấp.
Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp tương tự. Thậm chí một anh tổ trưởng ở công ty nọ cũng tự cho mình quyền đuổi việc người lao động, một phó phòng kinh doanh cũng phạt tiền nhân viên không nộp báo cáo đúng hạn, một giám đốc chi nhánh cũng ra quyết định sa thải nhân viên khi người đó không đồng ý với cách xử sự của mình… Tất cả những việc làm đó giám đốc doanh nghiệp đều "không hay, không biết". Đến khi đổ bể, xảy ra kiện tụng thì họ mới "lấy làm tiếc" vì không nắm bắt được mọi việc.
Quản lý, sử dụng con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp. Nếu để xảy ra tranh chấp, bất ổn thì doanh nghiệp rất khó phát triển. Do vậy, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý, phân quyền rõ ràng, không để người không có quyền xử lý những vấn đề pháp luật nghiêm cấm. Đừng để khi xảy ra sai phạm rồi mới lo "dọn dẹp", bởi xử lý hậu quả bao giờ cũng khó khăn hơn là ngăn ngừa…
Bình luận (0)