Sau khi bị công ty cho nghỉ việc vì lấy cắp 2 đôi giày phế phẩm trong lô hàng tiêu hủy, anh Nguyễn Văn Hùng - nguyên công nhân (CN) Công ty A. Q, quận Bình Tân, TP HCM - đã kích động một số nam CN gây rối, đe dọa các nhân viên bảo vệ và quản lý bộ phận. Sau khi bị lập biên bản, một nam CN thú nhận: "Do anh Hùng xúi chúng tôi. Anh ấy nói đồ phế phẩm bỏ đi thì phí nên lấy lại để xài, đó là tiết kiệm nhưng công ty lại đuổi việc là không công bằng. Mới đầu chúng tôi cũng nghĩ vậy nhưng giờ mới thấy mình sai".
Làm cho bõ ghét
Ông Võ Thanh Nam, Trưởng Phòng Kiểm soát chất lượng của Công ty A.Q, cho biết theo quy định của công ty, những sản phẩm bị lỗi, không đạt yêu cầu nếu không thể sửa chữa thì phải tiêu hủy chứ không được giữ lại với bất cứ lý do gì. Có quy định này là bởi công ty gia công hàng cho đối tác nước ngoài, hàng xuất đi phải bảo đảm chất lượng, là hàng chính phẩm loại 1 chứ không có hàng thứ phẩm, giá rẻ. Để giữ uy tín với khách hàng nhằm bảo đảm hợp tác lâu dài nên công ty đã ban hành quy định về quy trình xử lý hàng phế phẩm. Theo đó, sau khi kiểm kê, lập biên bản thì những hàng hóa hư hỏng đó sẽ được chuyển giao cho bộ phận tiêu hủy. Việc tiêu hủy tiến hành công khai, có đại diện của nhiều bộ phận chứng kiến và ký tên vào biên bản.
Doanh nghiệp cần nêu rõ quyền, trách nhiệm của người lao động và chủ động đối thoại ngay khi bức xúc xảy ra để tránh tình trạng lôi kéo, xúi giục. Ảnh: CAO HƯỜNG
Anh Hùng làm việc ở bộ phận tiêu hủy hàng hóa phế phẩm của công ty đã 5 năm và biết rất rõ quy định này. Thế nhưng, đầu tháng 12-2016, trong một đợt tiêu hủy hơn 200 sản phẩm không đạt chuẩn, người ta phát hiện mất 2 đôi giày. Kết quả điều tra cho thấy người phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát này là anh Hùng. Với sai phạm này, chiếu theo nội quy lao động, anh bị sa thải. Tuy nhiên, để hạn chế khó khăn cho anh trong vấn đề tìm việc sau này, công ty chỉ ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng vì không hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi bị cho thôi việc, anh Hùng đã kích động mọi người quậy phá "cho bõ ghét".
"Tôi đã phân tích cho Hùng thấy cái sai của cậu ấy nhưng Hùng vẫn khăng khăng không nhìn nhận khuyết điểm của mình. Với tính cách ấy thì sẽ rất khó cho công việc của Hùng sau này bởi một người không có thiện chí thì làm việc ở đâu, không chóng thì chầy cũng chuốc lấy rắc rối cho bản thân" - bà Lê Thị Nguyệt, chủ tịch Công đoàn công ty, nói.
Đã sai còn cãi
Mới đây, Công ty Thiên Hưng (quận 8, TP HCM) đã cho chị L.T.M.D và 2 nhân viên trong cùng bộ phận với chị nghỉ việc vì hết hạn hợp đồng. Ngay sau đó, công ty đã tuyển nhân sự mới vào thay thế các vị trí ấy. Biết thông tin này, chị M.D đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do công ty đã thông báo trước 15 ngày về việc không tiếp tục sử dụng những lao động này khi hết hạn hợp đồng nên các cơ quan chức năng chỉ còn biết giải thích cho chị M.D hiểu quy định của pháp luật trong trường hợp này. Sau khi nghe xong, chị M.D tỏ vẻ giận dữ: "Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, biết vậy tôi không thèm đến đây". Trước thái độ của chị, ông Lê Tấn Nghĩa, đại diện công ty, lắc đầu: "Chị đã không thấy mình sai thì có nói bao nhiêu cũng bằng thừa".
Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi biết rằng đầu năm 2017, chị M.D có mâu thuẫn với quản đốc xưởng nên sau khi lau chùi máy, chị đã để chai dầu nhớt còn mở nắp lên trên thùng thành phẩm. Sau đó, nhân lúc vắng người, chị đi ngang và dùng chân đá mạnh vào thùng thành phẩm khiến chai dầu nhớt bị ngã. Dầu nhớt ngấm vô hàng hóa khiến cả thùng hàng bị hỏng và quản đốc xưởng phải chịu trách nhiệm. Ngoài việc cá nhân quản đốc phải bồi thường thiệt hại cho công ty, xưởng còn bị mất danh hiệu thi đua. Quá bực tức nên quản đốc xưởng đã điều tra và phát hiện sự việc trên qua camera an ninh của công ty. Dù vậy chị M.D vẫn cố cãi, cho rằng mình chỉ vô ý. Với thái độ làm việc như vậy, phòng nhân sự đã đưa tên chị M.D vào danh sách không tiếp tục sử dụng khi hết hợp đồng.
Bà Võ Hồng Nghi, Giám đốc Công ty Tân Việt Thành (quận 2, TP HCM):
Phải hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ
Trong thực tế, ở doanh nghiệp nào cũng có những người lao động cá biệt. Điều quan trọng là cách doanh nghiệp quản lý, giáo dục và chăm lo cho người lao động. Phải làm sao cho người lao động thấy ngoài quyền lợi thì họ còn phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Có hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ thì mới có sự đồng cảm, chia sẻ, gắn bó.
Bình luận (0)