“Chúng tôi chưa từng nhận được thông tin từ cơ quan chức năng. Nếu biết, chúng tôi sẵn sàng tiếp để trình bày quan điểm của mình, cung cấp thêm thông tin để cơ quan chức năng hiểu rõ sự việc”. Ông Võ Đăng Phúc, Giám đốc Công ty M.T (quận Tân Bình, TP HCM), phân trần khi nhận được biên bản hòa giải không thành của cơ quan lao động về khiếu nại tiền lương của người lao động (NLĐ).
Hành chính - nhân sự “ém” thư mời
Do lần này văn bản của cơ quan lao động gửi đích danh giám đốc nên ông Phúc mới nhận được. Những lần trước, khi thư mời gửi “Công ty M.T” thì nơi nhận đầu tiên là phòng hành chính - nhân sự. Kết quả là thư mời tham dự các phiên hòa giải đã bị “ém” lại và không có ai đại diện doanh nghiệp tham dự. Sau nhiều lần mời mà đại diện công ty không đến, hòa giải viên lao động đã lập biên bản hòa giải không thành để NLĐ hoàn tất thủ tục kiện ra tòa.
Tranh chấp tại công ty bắt đầu từ tháng 5-2016 khi một số tổ trưởng, chuyền trưởng không còn lãnh phụ cấp trách nhiệm mà thay bằng phụ cấp năng suất. Nếu bộ phận phụ trách đạt năng suất cao thì phụ cấp của cán bộ quản lý sẽ cao; ngược lại, phụ cấp sẽ giảm. Đáng nói là việc thay đổi cách tính phụ cấp này chỉ được ban giám đốc bàn bạc trong cuộc họp cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên, sau đó được đưa vào thực hiện mà không thông báo với NLĐ và nhân sự quản lý ở xưởng sản xuất.
Khi thấy thu nhập bị giảm, một số chuyền trưởng đã gửi thắc mắc vào hòm thư góp ý nhưng chờ mãi không thấy phản hồi. Cuối cùng, họ gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng quận và báo chí. Các cơ quan này khi nhận được đơn khiếu nại đã tìm mọi cách liên hệ với công ty để giải quyết. Tuy nhiên, phòng hành chính nhân sự khi thì trả lời giám đốc đi vắng, khi thì hẹn làm việc nhưng sau đó lại “xù”. Thậm chí, có lần còn nói NLĐ kiện thì công ty sẵn sàng đi hầu chứ không tiếp bất cứ ai!
“Tôi đã yêu cầu trưởng phòng hành chính - nhân sự giải trình và sẽ xử lý thích đáng. Đối với khiếu nại của NLĐ, tuy đã có biên bản hòa giải không thành vì công ty vắng mặt nhưng tôi sẵn sàng ngồi lại với anh em để giải quyết mà không nhất thiết gặp nhau ở tòa” - ông Phúc nói.
Bị cấp dưới qua mặt
Chuyện các bộ phận tham mưu của doanh nghiệp né tránh trách nhiệm, xem nhẹ việc giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của NLĐ hoặc cố ý “ém nhẹm” khi vấn đề liên quan trực tiếp đến cá nhân mình rất phổ biến. Giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại quận 2, TP HCM mới đây đã “chưng hửng” khi sai phạm của đơn vị bị đưa lên báo. Giám đốc này cho biết ông chưa từng nghe cấp dưới báo cáo về việc có đơn thư khiếu nại của NLĐ.
Sau khi “ba mặt một lời” nghe lại ghi âm, thấy tận mắt tin nhắn từ chối tiếp xúc với cơ quan chức năng và báo chí của thuộc cấp, ông bày tỏ thất vọng: “Tôi không ngờ họ lại hành xử như vậy. Lẽ ra phải báo cáo với ban giám đốc và đề xuất cách giải quyết thì họ lại im lặng cho qua. Những chuyện như vậy làm sao mà ém nhẹm được? NLĐ bây giờ hiểu biết nhiều lắm, họ gửi đơn khiếu nại khắp nơi, chừng nào được giải quyết mới thôi”.
Có chuyện này là bởi chính vị phó giám đốc phụ trách nhân sự là người liên quan trực tiếp đến khiếu nại của NLĐ. Bà này bị cho là đã lạm quyền vì xử lý kỷ luật sa thải NLĐ khi giám đốc vắng mặt. Vì lẽ đó, khi cơ quan chức năng liên hệ, bà đã từ chối tiếp xúc và trả lời: “Cứ chờ tòa án giải quyết. Chúng tôi rất bận, không có thời gian để tiếp các vị”.
Phải tích cực hợp tác
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết nhiều giám đốc doanh nghiệp nói rằng mình hoàn toàn không có thông tin gì về các thắc mắc, khiếu nại của NLĐ cho đến khi bị tòa án triệu tập. Đến lúc đó, nếu trực tiếp hầu kiện thì tốn rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, nhiều người chọn giải pháp thuê luật sư và ủy quyền cho họ đại diện trước tòa.
“Trong nhiều vụ kiện, doanh nghiệp đã thua vì làm sai luật. Ngoài khoản bồi thường cho NLĐ, họ còn phải tốn một khoản không nhỏ cho các luật sư bởi những người này không thể cãi sai thành đúng. Cái mất lớn hơn là thiệt hại về danh dự, uy tín và niềm tin của NLĐ. Do vậy, việc tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết khiếu nại, tố cáo của NLĐ là điều các chủ doanh nghiệp nên làm bởi đây chính là cơ hội để họ trình bày rõ ràng sự việc mà nhiều khi để bảo vệ mình, NLĐ đã không nói hết với cơ quan chức năng” - ông Triều nói.
Bình luận (0)