Mới đây, khi trao đổi với chúng tôi việc chậm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (NLĐ), ông V.X.H - giám đốc một công ty địa ốc tại quận Gò Vấp, TP HCM - bực tức nói: “Tôi khẳng định công ty không quỵt tiền trợ cấp thôi việc của NLĐ, chỉ là trả chậm. Làm việc với công ty bao năm qua, đáng lẽ phải thông cảm với cái khó của công ty, đằng này NLĐ quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của bản thân, chăm chăm đòi quyền lợi cho mình”.
Không nói làm sao biết!
Thế nhưng, qua trao đổi với NLĐ, sự việc lại khác. Chị Phan Thị Tân, một nhân viên của công ty, cho biết tháng 8-2015, theo kết luận của hội đồng giám định y khoa, chị bị suy giảm khả năng lao động 62%. Không còn đủ sức khỏe để làm việc, chị xin nghỉ và được chấp thuận. Theo tính toán của công ty, sau 31 năm làm việc, chị Tân được chi trả gần 83 triệu đồng tiền trợ cấp thôi việc. Thế nhưng, công ty chỉ trả 20 triệu đồng mà không hề có một lời giải thích, giám đốc thì tránh mặt.
Chờ mãi không thấy công ty có động tĩnh gì, chị Tân và một số người đã nghỉ việc gửi đơn khiếu nại thì mới được giải thích lý do chậm thanh toán là vì công ty đang gặp khó khăn. “Tôi bị suy giảm khả năng lao động phải nghỉ việc, gia cảnh khó khăn, mọi chi phí đều trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thôi việc. Nhưng không vì thế mà tôi phớt lờ khó khăn của công ty bởi sau thời gian dài công tác tại đây ít nhiều cũng có tình cảm. Việc công ty nợ đối tác bên ngoài, đang bị cưỡng chế do nợ thuế của nhà nước, nguồn thu thuê nhà chỉ đủ trả tiền lãi hằng tháng cho ngân hàng… lãnh đạo công ty không nói ra làm sao chúng tôi biết? Giá như ngay từ đầu, công ty chịu chia sẻ với NLĐ thì sự việc đâu đi đến bước kiện cáo nhau thế này?” - chị Tân chia sẻ.
Bảo NLĐ ích kỷ là không chính xác
Mới đây, sau khi nghỉ việc nhiều tháng nhưng không được trả sổ BHXH, 15 công nhân (CN) Công ty R.S (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) đã tìm đến công ty để hỏi lý do. Thế nhưng, khi đến công ty, họ bị cấm cửa không cho vào, lãnh đạo công ty không chịu gặp cũng không nghe điện thoại của CN. Kiên trì chờ đợi trước cổng từ sáng đến 15 giờ, các CN mới nhận được tờ thông báo ghi: “Công ty sẽ trả sổ BHXH cho CN vào tháng 6-2016”.
CN tên Toàn bức xúc: “Tôi làm việc tại công ty được 14 năm, công ty gặp khó khăn tôi biết. Chính vì vậy, dù đã nghỉ việc hơn 5 tháng nhưng không được chốt, trả sổ BHXH, bị mất quyền lợi về BHTN vì công ty nợ BHXH, tôi vẫn chấp nhận. Nay tôi cần sổ BHXH để nộp cho công ty mới nên phải đến nơi làm việc cũ hỏi thăm nhưng cách hành xử của lãnh đạo công ty làm tôi thất vọng quá”.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Thu - Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi,
TP HCM - ý kiến cho rằng NLĐ hiện nay ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi bản thân là chưa chính xác. Điển hình như cách đây ít lâu, tại Công ty Samho (huyện Củ Chi) xảy ra vụ cháy, gây thiệt hại khá lớn cho doanh nghiệp (DN). Khi đó, không ít CN đã kiến nghị được đóng góp một phần thu nhập của mình, thậm chí có CN còn gửi cả phong bì bên trong có 1 tháng lương của mình nhằm góp sức giúp DN vượt qua khó khăn.
Để có được điều này, bên cạnh việc thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, Công ty Samho đã duy trì tốt cơ chế đối thoại để NLĐ hiểu rõ tình hình NLĐ, từ đó đưa ra cách ứng xử phù hợp. “Từ những vụ việc nêu trên, chứng minh rằng NLĐ không hề ngại chia sẻ khó khăn với DN mà chỉ tại DN không thẳng thắn đối thoại với NLĐ. Chọn cách im lặng, né tránh, DN đã gây bức xúc cho NLĐ, dẫn đến tranh chấp” - bà Thu nhận định.
Bình luận (0)