PHẠM THANH LAN (quận Bình Tân, TP HCM) hỏi: "Vừa qua, tôi xin nghỉ phép 4 ngày và được trưởng bộ phận đồng ý. Khi đó, do phải nghỉ đột xuất nên tôi chưa nộp đơn xin nghỉ mà chỉ xin phép bằng miệng với trưởng bộ phận. Song, khi trở lại làm việc, tôi bị công ty kỷ luật cảnh cáo vì tự ý nghỉ việc không xin phép. Xin hỏi trường hợp này công ty xử lý đúng hay sai?".
- Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Điều 113 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định người lao động (NLĐ) làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động là 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với NLĐ chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng cho một NSDLĐ thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỉ lệ tương ứng với số tháng làm việc. NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm/lần.
Căn cứ quy định trên, bà Lan có quyền nghỉ phép (nếu còn ngày phép) nhưng phải thỏa thuận với NSDLĐ, đồng thời phải tuân thủ quy định về thủ tục xin nghỉ phép của công ty (xin phép bằng lời nói, email hay văn bản với người có thẩm quyền phê duyệt đơn...). Trường hợp thủ tục nghỉ phép thực hiện không đúng thì công ty có thể xử lý căn cứ vào nội quy lao động của đơn vị. Việc xử lý kỷ luật lao động của công ty phải tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Bình luận (0)