Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), có khoảng 8.000 công nhân (CN) đang làm việc tại các nhà máy ở TP Dĩ An, thị xã Bến Cát và tỉnh Trà Vinh. Từ sau Tết Nguyên đán 2022, công tác phòng chống dịch vẫn được công ty thực hiện nghiêm ngặt, hằng tuần đều tổ chức test nhanh cho CN tại các nhà máy.
Trở tay không kịp
Đại diện doanh nghiệp (DN) cho biết mặc dù địa phương đã trở lại với cuộc sống bình thường mới nhưng tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian gần đây, chủng Omicron bùng phát dữ dội khiến số ca mắc tăng nhanh kỷ lục. Vì thế, ban giám đốc công ty vẫn nhất quán nguyên tắc phòng chống dịch nghiêm ngặt, ngoài hằng tuần test nhanh một lần để bóc tách F0 thì công ty còn hạn chế tối đa khách hàng ra vào, đặc biệt F1 vẫn phải nghỉ ở nhà cách ly. Dù vậy, số ca F0 và F1 trong công ty hằng tuần lên tới hàng trăm người, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất.
Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH Poong In Vina Việt Nam (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cũng rất lo lắng khi số ca mắc Covid-19 liên tục gia tăng. Đại diện Công đoàn cơ sở cho biết dù công ty luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như phun khử khuẩn, đo thân nhiệt, không bố trí ăn giữa ca tại căng-tin… nhưng có thể do chủng mới bùng phát nhanh nên số ca nhiễm gia tăng ngày một nhiều. Hiện nay, số CN là F0 nghỉ việc khá nhiều khiến đơn hàng bị ùn ứ. Cũng lo sốt vó khi F0 tăng nhanh, Công ty CP S Furniture (KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên) thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở CN nâng cao ý thức không chỉ khi làm việc trong công ty, mà còn lúc ở nhà và phòng trọ phải biết tự bảo vệ. Ông Nguyễn Thành Kỳ, tổng giám đốc công ty, cho biết qua khảo sát từ CN, nguồn lây chủ yếu là từ bạn bè, người cùng dãy trọ hoặc có con cái đi học lây từ bạn bè. "Việc F0 tăng khiến công ty trở tay không kịp với đơn hàng nhưng rất may là được đối tác thông cảm" - ông Kỳ cho hay.
Công nhân Công ty CP S Furniture nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong bối cảnh ca nhiễm Covid-19 tăng
Sản xuất linh hoạt
Để bù đắp số lao động thiếu hụt, Công ty TNHH Yazaki EDS đã dự trù nhiều phương án, trong đó chủ yếu vận động CN làm thêm giờ và thêm lao động. Nếu đơn hàng không kịp tiến độ, công ty sẽ chuyển cho nhà máy cùng tập đoàn gia công.
Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An), người lao động (NLĐ) trong quá trình làm việc thấy có biểu hiện bất thường thì đăng ký lên phòng y tế để xét nghiệm. Nếu là F0, họ được cho về nhà nghỉ hưởng BHXH. Đại diện DN cho biết nếu F0 là nhân viên văn phòng thì họ vẫn làm việc tại nhà bình thường, sau khi xét nghiệm âm tính thì được đi làm trực tiếp. Công ty TNHH Giày Thông Dụng (phường An Phú, TP Thuận An) cũng không còn phân biệt giữa F0 và F1, thậm chí NLĐ là F0 nhưng không khai báo, sức khỏe tốt họ vẫn đi làm bình thường. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, cho biết đa phần NLĐ trong công ty đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Qua theo dõi tình hình sức khỏe CN nhiễm bệnh, công ty nhận thấy chưa có trường hợp nào nặng phải chuyển viện, thậm chí có những trường hợp không biết mình mắc Covid-19.
"Gần toàn bộ NLĐ trong công ty đã từng bị nhiễm bệnh nên không ai còn tâm lý lo sợ hay hoang mang như trước nữa. Nhiều CN tâm sự nếu chẳng may mắc Covid-19 mà sức khỏe tốt thì họ vẫn chọn đi làm vì ở nhà chỉ hưởng BHXH sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, trong khi giá cả ngày một tăng" - ông Tiến cho hay.
Không nên chủ quan
Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay tỉnh vẫn chưa cho NLĐ là F0 đi làm, song nếu F0 không có triệu chứng mà họ không khai báo và DN không tổ chức test nhanh định kỳ thì khó có thể kiểm soát dịch. Mới đây, khi Bộ Y tế tham khảo ý kiến Bình Dương về việc cho F1 đi làm trực tiếp, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất nên cho họ đi làm bởi đa phần NLĐ đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin, tiến tới cuối tháng 3 sẽ phủ hoàn toàn mũi 3. Trước mắt, các DN vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là.
Bình luận (0)