Đang làm việc và sinh sống tại tỉnh Đồng Nai, tháng 4-2018, 17 công nhân (CN) xí nghiệp tách cọng thuộc Công ty CP Hòa Việt (tỉnh Đồng Nai) bị điều đến làm việc tại các chi nhánh ở tỉnh Tây Ninh và Gia Lai. Không đồng ý với quyết định trên, họ đã khiếu nại đến ban giám đốc nhưng không được giải quyết. Chị L.T.B, một CN, chia sẻ: "Có thời điểm do không có việc làm, công ty cho CN nghỉ nhưng chỉ trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng mà không thỏa thuận trước nên bị khiếu nại. Sau lần đó, số CN khiếu nại đều bị điều chuyển đi các tỉnh. Ức chế vì bị chèn ép, 11/17 CN đã nộp đơn xin thôi việc dù họ vẫn muốn gắn bó lâu dài với công ty".
Phớt lờ pháp luật
Theo giải thích từ công ty, do hoạt động đặc thù của ngành sản xuất thuốc lá nên công việc tại xí nghiệp tách cọng và các đơn vị phụ trợ chỉ hoạt động thường xuyên từ tháng 6 đến tháng 12 mỗi năm, những tháng còn lại khi có đơn hàng mới tổ chức sản xuất. Khi không có đơn hàng, công ty bố trí cho CN nghỉ chờ việc và nhận lương bằng mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, tháng 4-2018, do các chi nhánh tại các tỉnh Gia Lai, Tây Ninh vào vụ sấy thuốc lá cần nhân lực hỗ trợ thu mua, phân cấp nguyên liệu nên công ty đã điều chuyển 17 CN xí nghiệp tách cọng đến làm việc tại các chi nhánh trên trong vòng 60 ngày. Khi điều chuyển, công ty có báo trước cho CN 3 ngày theo quy định.
Ông Huỳnh Lê Dũng, một trong số các lao động bị Công ty CP Hòa Việt điều chuyển công việc không đúng quy định pháp luật
Tuy nhiên, lập luận này của công ty không nhận được sự đồng tình của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai. Theo thanh tra sở, hợp đồng lao động (HĐLĐ) công ty ký kết với người lao động (NLĐ) thể hiện rõ địa điểm làm việc là xí nghiệp tách cọng (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và các chi nhánh trực thuộc. Thế nhưng, trong nội quy lao động đã đăng ký không ghi cụ thể trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp (DN) được tạm thời điều chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ theo quy định tại khoản 2, điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Do vậy, việc công ty điều chuyển NLĐ đến làm việc tại các tỉnh Tây Ninh, Gia Lai là không đúng quy định. Từ nhận định đó, thanh tra sở yêu cầu công ty phải bố trí lại công việc cũ theo HĐLĐ cho NLĐ. Đối với những CN nghỉ việc, công ty phải thanh toán đầy đủ chế độ liên quan.
Gây ức chế cho người lao động
Quy định điều chuyển NLĐ làm công việc khác với HĐLĐ trong Bộ Luật Lao động có ý nghĩa tích cực là giúp người sử dụng lao động giải quyết khó khăn đột xuất. Thế nhưng, thực tế một số DN lại lợi dụng quy định này để gây khó cho NLĐ, kể cả những đối tượng lao động đặc biệt được pháp luật bảo vệ.
Điển hình như trường hợp xảy ra với chị Nguyễn Hồng Ngọc, giám sát bộ phận đồng phục cũng là Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH B.C (quận 1, TP HCM). Theo quy định của Luật CĐ, đơn vị sử dụng lao động không được thuyên chuyển công tác đối với cán bộ CĐ không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của ban chấp hành CĐ cơ sở hoặc ban chấp hành CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở. Thế nhưng, bất chấp phản ứng của CĐ cơ sở, tháng 7-2018, chị Ngọc vẫn bị công ty điều chuyển sang làm công việc giám sát vệ sinh nơi công cộng không thời hạn. Chỉ khi chị phản ánh sự việc đến các cơ quan chức năng và báo chí, công ty mới chịu thu hồi quyết định.
Chị Đặng Thị Hồng Phượng cũng chịu thiệt thòi bởi quyết định điều chuyển sai trái của Công ty TNHH Grow More (quận 5, TP HCM). Phượng cho biết cuối tháng 6-2018, khi chuẩn bị trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản, chị nhận được quyết định của công ty điều chuyển đến làm kế toán kho tại chi nhánh ở huyện Bình Chánh, TP HCM với lý do công việc cũ đã có người thay thế. Khi Phượng khiếu nại thì ông Mai Văn Cường, phó giám đốc công ty, vẫn tiếp tục yêu cầu chị phải chấp hành quyết định bố trí công việc mới. Nếu chị không đồng ý thì có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không phải bồi thường cho công ty. "Theo HĐLĐ đã ký, công việc của tôi là kế toán thành phẩm; địa điểm làm việc tại trụ sở ở quận 6, TP HCM. Tôi vừa sinh con xong nên sức khỏe còn yếu, vậy mà công ty lại buộc tôi phải đến địa điểm làm việc xa hơn, thử hỏi có hợp tình hợp lý không?" - chị Phượng bày tỏ. Khi Phượng không chấp hành quyết định điều động, công ty không cho vào làm việc và ra quyết định cho chị nghỉ việc từ ngày 27-7 mà không nêu lý do. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với công ty để tìm hiểu sự việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Nhầm lẫn khái niệm
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trong trường hợp của chị Phượng, Công ty TNHH Grow More đã có nhiều sai phạm. Cụ thể, người ký quyết định điều chuyển công việc và ra quyết định thôi việc không đúng thẩm quyền (phó giám đốc công ty); đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi không có lý do chính đáng, vi phạm thời gian báo trước. Công ty đang nhầm lẫn giữa việc điều chuyển công việc và địa điểm làm việc. "Theo quy định của Bộ Luật Lao động, DN có thể bố trí công việc khác cho lao động nữ sau thời gian thai sản nếu việc làm cũ không còn, song địa điểm làm việc phải được thực hiện theo HĐLĐ hoặc theo thỏa thuận khác giữa hai bên. Tuy nhiên, công ty lại buộc chị Phượng phải thay đổi địa điểm làm việc khi chưa đạt được sự đồng thuận là vi phạm pháp luật" - ông Tín nhấn mạnh.
Bình luận (0)