Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp cố phần trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM cho biết đến thời điểm này, trong hồ sơ nhân sự của công ty không còn người lao động nào có thời gian làm việc 20 năm dù thực tế không ít người đã có mặt và làm việc tại công ty trên 20 năm. Lý do là hầu hết người lao động làm việc đến năm thứ 19 đều nộp đơn xin nghỉ việc; nhận BHXH "một cục", sau đó trở lại làm việc thời vụ.
Khi được hỏi, tất cả đều có chung câu trả lời: "Nhận một cục cho chắc ăn chứ cái quỹ BHXH đó không biết nó vỡ lúc nào! Chưa kể, dù có đóng đủ năm để hưởng lương hưu thì bây giờ mới 40 tuổi, biết bao giờ mới thấy đồng lương hưu? Thôi thì nhận một cục còn có vốn liếng để làm ăn, sinh sống từ bây giờ".
Liệu những nữ công nhân này có đủ điều kiện và sức khỏe để làm việc đến khi đủ tuổi hưu?
Không thể trách người lao động thấy cái trước mắt mà không thấy cái lâu dài bởi cái lâu dài cứ nay đổi, mai thay thì làm sao người lao động có niềm tin để chờ đợi?
Trong số những chuyện "nay đổi, mai thay" của chính sách khiến người lao động mất niềm tin là việc giảm lương hưu của lao động nữ từ 1-1-2018 mà báo chí đề cập gần đây.
Giảm lương hưu, một điều luật gây tổn hại nặng nề quyền lợi của lao động nữ
Trong lần sửa Bộ Luật Lao động năm 2012, Ban soạn thảo mà chủ trì là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã mấy lần đưa phương án nâng tuổi hưu của lao động nữ vào dự án sửa đổi. Tuy nhiên do các luận cứ đi kèm không thuyết phục nên bị Quỗc hội bác, không thông qua.
Tại thời điểm này, dự thảo Luật BHXH sửa đổi (cũng do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì soạn thảo) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ đột ngột từ 3% cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi xuống còn 2%. Nhưng các ý kiến này không được tiếp thu, chỉnh sửa; để rồi khi trình Quốc hội thông qua, một số ý kiến không đồng tình của đại biểu Quốc hội là cán bộ Công đoàn đã không đủ sức nặng để ngăn cản một điều luật gây tổn hại nặng nề quyền lợi của lao động nữ như thế.
Công bằng ở đâu khi những người phụ nữ chân yếu tay mềm bị tước đoạt quyền lợi mười mươi như thế mà không ai bảo vệ?
Chuyện tăng tuổi hưu của lao động nữ là điều chắc chắn sẽ diễn ra. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế cũng như để cân đối Quỹ BHXH trong tình hình tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng lên. Bộ LĐ-TB-XH cũng đã nhiều lần đề xuất các phương án nâng dần tuổi hưu của lao động nữ, trong đó có xem xét đến các nhóm đối tượng khác nhau chứ không thực hiện đại trà một chính sách chung cho tất cả. Điều này là cần thiết.
Song, một khi tuổi hưu của lao động nữ chưa nâng lên thì vội vàng thực hiện điều luật giảm lương hưu của nữ là bất hợp lý. Công bằng ở đâu cho những lao động nữ đóng BHXH 25 năm, sau một đêm ngủ dậy đã mất đến 10% lương hưu? Công bằng ở đâu khi những người phụ nữ chân yếu tay mềm bị tước đoạt quyền lợi mười mươi như thế mà không ai bảo vệ? Công bằng ở đâu khi chính sách lao động nữ mà không quan tâm đến ý nguyện của người thụ hưởng nó?
Công bằng ở đâu khi chính sách lao động nữ mà không quan tâm đến ý nguyện của người thụ hưởng nó?
Cho nên tốt nhất là phải sửa đổi theo hướng nâng dần năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% từ 15 năm lên 16, 17… như với nam giới hoặc tạm dừng hẳn việc thi hình quy định này cho đến khi nào vấn đề nâng tuổi hưu được chính thức quyết định.
Những ngày này, hằng ngày chúng ta đọc báo, xem đài đều thấy nói rất nhiều đến chuyện bình đẳng nam-nữ, nói đến việc chăm lo cho lao động nữ, những người vốn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội Việt Nam còn nặng nề định kiến trọng nam - khinh nữ, chồng chúa - vợ tôi.
Đừng để tôn vinh phụ nữ chỉ là khẩu hiệu suông.
Nhưng giữa lý thuyết và thực tiễn còn quá nhiều khoảng cách.
Ngày 20-10 sắp đến rồi. Đừng để tôn vinh phụ nữ chỉ là khẩu hiệu suông.
Bình luận (0)