Sau loạt bài "Giảm lương hưu của lao động nữ..." trên Báo Người Lao động điện tử, đông đảo bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ sự đồng tình và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách để không gây sốc cho người lao động.
Chưa thật sự bình đẳng
Bạn đọc hồng lê cho rằng có lẽ Việt Nam là nước duy nhất "ưu ái" lao động nữ bằng cách bớt hẳn 5 năm quyền lợi so với nam giới, trong khi lẽ ra phải để chế độ lao động, tuổi hưu bằng nhau, chị em nào muốn có thể về khi đủ 55 tuổi. "Có nghĩa lao động nữ là công dân hạng 2 trong khi họ là nguồn lực lớn của xã hội"- bạn đọc mira bức xúc.
Bạn đọc nguyễn thị thúy hoa lại đặt vấn đề: chính sách bình đẳng giới thực hiện thế nào? Chưa tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ thì không thể giảm mức hưởng lương hưu như thế. Cùng đi học, đi làm việc ở tuổi như nhau nhưng nữ lại nghỉ hưu trước nam 5 năm nên lương hưu thấp hơn. Quy hoạch, bổ nhiệm tuổi cũng bị giới hạn hơn nam 5 năm nhưng mức tính lương hưu lại như nhau thì quá bất công, đấy là phân biệt nam nữ, đấy chính là không bình đẳng giới chứ không phải là quan tâm, ưu tiên cho nữ giới.
Lao động nữ chiếm đại đa số trong lực lượng lao động của nhiều doanh nghiệp
Sâu sắc hơn, bạn đọc tấn tiến chia sẻ: "Thiệt thòi cho chị em thật rồi. Phụ nữ phải đẻ con và chăm sóc, nuôi dạy trung bình 2 con mất hơn 14 năm kể cả thời gian mang thai. Nếu phấn đấu để được bổ nhiệm phải học thêm sau đại học ít nhất 2,5 năm và nhiều bằng cấp khác nữa tốn ít nhất cũng 2 năm, trong khi nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm".
Rất nhiều ý kiến khẳng định lao động nữ ở Việt Nam ngoài giờ làm việc ở cơ quan, công xưởng về nhà còn trăm thứ việc không tên, như vậy tại sao phụ nữ lại phải chịu thiệt thòi đột ngột như vậy? Nam nữ bình quyền, vậy sao lại giảm lương hưu của nữ? Đây là bất công bởi cùng làm như nhau, người hưởng lương hưu bình thường, người bước thêm 1 ngày thì hẫng hụt. Nam nữ từ khi chào đời đến khi vào đời học tập như nhau, đóng thuế thu nhập cá nhân như nhau nhưng nữ giới có thêm trọng trách sinh con và nuôi dạy con thành người có ích. Đến 55 tuổi, nam nữ hết bình đẳng rồi. Phụ nữ làm việc không kém gì nam giới và có thể hơn, sao lại đối xử bất bình đẳng như thế?
Không an tâm về chính sách
Từ quy định cắt giảm lương hưu của lao động nữ một cách đột ngột từ năm 2018, nhiều bạn đọc bày tỏ sự không tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội. Bạn đọc người lao động đặt vấn đề: Thế thì đừng hỏi tại sao người lao động về "một cục"' nhiều. "Bởi vậy người ta không tha thiết với chế độ hưu trí mà chỉ muốn lãnh một cục là phải rồi" (bạn đọc an an) hay "ngao ngán, mệt mỏi quá rồi... Thôi có bao nhiêu lĩnh một lần cho hết bấy nhiêu vậy". Còn bạn đọc hotran băn khoăn: "Tui mới 38 tuổi, tui đóng BHXH được 13 năm rồi, giờ đang suy nghĩ coi nên lãnh 1 lần hay đóng tiếp để đợi lãnh lương hưu". Cũng có suy nghĩ như vậy, bạn đọc tiến tùng cho biết "tôi đã tham gia BHXH được 32 năm nhưng nếu các vị cho lãnh 1 cục thì tôi lãnh liền đó".
Giảm lương hưu thật không công bằng cho chị em phụ nữ tần tảo suốt cả cuộc đời cống hiến xã hội...
Nhiều bạn đọc bức xúc: "Đóng thêm nhiều tiền, lãnh phần trăm ít đi, lợi chỗ nào nhỉ?" (ngoductai), "Đừng hỏi vì sao người lao động khi nghỉ làm thì họ muốn nhận lương hưu một lần, dù biết rằng sau này cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn khi không có lương hưu hàng tháng" (sonbaclieu). Hay như bạn đọc dinhninh: "Là nam giới nhưng bản thân tôi thấy quá bức xúc. Tại sao lại có chính sách phân biệt về giới tính? Ai cho phép đề xuất giảm lương hưu của phụ nữ? Một đề xuất quá tiêu cực đến với hàng chục triệu phụ nữ. Nay nghỉ hưu lại trở thành người nằm trong chính sách hộ nghèo, thật không công bằng cho chị em phụ nữ tần tảo suốt cả cuộc đời cống hiến cho xã hội...".
Mong được lắng nghe
Bạn đọc nguyễn võ lộc cho rằng vô lý và bất công đối với nữ giới khi chỉ sau 1 đêm, lương hưu của chị em giảm đi 10% so với hôm trước. Đề nghị Chính phủ xem lại chính sách này, cho lùi lại thời gian có hiệu lực để điều chỉnh cho hợp lý hơn. "Đồng ý với quan điểm bài viết. Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi sớm việc này trước ngày 31-12-2017 để chị em phụ nữ không bị sốc, nên tăng dần theo lộ trình như nam giới, mỗi năm tăng 1 năm: 26- 27- 28- 29- 30 năm ứng với năm 2018 - 2019 - 2020 - 2021- 2022"- bạn đọc quoc trung đề xuất.
Mong Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu và sớm điều chỉnh
Và rất nhiều ý kiến mong mỏi nhà nước hãy lắng nghe và thấu hiểu để đưa ra những chính sách phù hợp; mong Quốc hội hãy lắng nghe tiếng lòng của chị em phụ nữ; sai thì sửa, không phù hợp thì thay đổi; phải chỉnh sửa gấp điều luật BHXH đối với lao động nữ vì phụ nữ dù chi đi nữa cũng là trụ cột của gia đình. Đề nghị Hội LHPN Việt Nam, Ban Nữ công của Tổng LĐLĐ Việt Nam xem lại chính sách hưu của nữ công nhân, "đây là việc các chị cần làm ngay cho quyền lợi của nữ công nhân". Mong Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu và điều chỉnh trở lại như cũ, đừng có thay đổi, đừng có cải cách gì nữa...
Sâu xa hơn, bạn đọc tấn trần đề nghị cần có một cuộc giải phẫu đối với ngành BHXH, tại sao quỹ BHXH bị thâm hụt trong khi lương của ngành này trả gấp 1,7 lần, đầu tư xây dựng cơ bản cho tất cả các tỉnh xây dựng trụ sở, ăn giữa ca cho nhân viên... đều cao chất ngất. Tiền này lấy từ đâu ra, phải chăng từ quỹ BHXH mà người lao động trích từ lương đóng vào?
Đọc xong thấy nhói lòng
Gửi ý kiến rất sớm, bạn đọc hiep tâm sự: "Tôi đồng ý và xót xa cho tác giả bài báo này. Ai đời ngủ dậy qua 1 đêm mất đi 10% tỉ lệ hưởng BHXH...". Còn bạn đọc pham tuan minh bày tỏ sự đồng cảm: "Đọc xong thấy nhói lòng. Mình 44 tuổi, đóng BHXH được 15 năm. Mọi người khuyên đóng bảo hiểm tự nguyện đến khi đủ tuổi lĩnh lương hưu nhưng bây giờ thấy trong lòng rung rinh quá"
Bình luận (0)