Tôi "lỡ" đóng BHXH hơn 20 năm rồi, giờ phải làm sao?
Trước đây, khi các anh chị em làm việc lâu năm rủ nhau xin nghỉ việc để nhận trợ cấp BHXH một lần, tôi đã ra sức vận động, thuyết phục họ không nên gặt lúa non mà phải nghĩ đến tương lai sau này khi về già. Nếu có lương hưu thì sẽ đỡ gánh nặng cho gia đình, con cháu.
Tôi còn vẽ ra viễn cảnh khi nghỉ hưu, đầu tháng nhận lương túi rủng rỉnh. Sáng sáng đi tập thể dục dưỡng sinh rồi tụ tập bạn già trò chuyện. Trưa chiều rảnh rỗi thì đi tập hát, khiêu vũ ở câu lạc bộ. Buổi tối thì xúm xít với mấy người bạn trong xóm uống trà, nói chuyện phiếm…
Tôi vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp của những ngày nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm tháng làm việc, đóng góp cho xã hội. Để làm gương, tôi nhất quyết không nghỉ việc dù chính trưởng phòng nhân sự cũng khuyên nên nghỉ việc để nhận BHXH một lần, sau đó ký lại hợp đồng ngắn hạn.
Hiện tại nhọc nhằn, tương lai bấp bênh vì lương hưu thấp
Kết quả là rất nhiều người đã nghỉ việc, đã nhận trợ cấp BHXH một lần sau 1 năm không tiếp tục tham gia BHXH. Còn tôi, dù công việc vất vả, nặng nhọc, tiền lương thấp nhưng vẫn vững lòng tin về một tương lai tươi sáng.
Kết quả là tôi đã đóng BHXH được 20 năm lẻ mấy tháng.
Đúng lúc đó công ty gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tôi và nhiều chị em trên 40 tuổi "ưu tiên" được công ty đưa vào danh sách cho thôi việc. Họ chỉ giữ lại những người trẻ, khỏe, lương cơ bản thấp để nhẹ gánh. Tôi, 45 tuổi, nằm trong số những người bị cho nghỉ việc. Chị trưởng phòng nhân sự nói: "Chị đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Nếu chị không đi làm để tiếp tục đóng BHXH thì khi đủ tuổi chị sẽ được lãnh lương hưu".
lao động nữ lớn tuổi luôn là "ưu tiên" trong danh sách cắt giảm lao động của doanh nghiệp
10 năm nữa tôi mới đến tuổi nghỉ hưu với điều kiện là nhà nước không tăng tuổi hưu của lao động nữ. Trong 10 năm ấy, tôi làm gì để sống khi tuổi đã cao, không có nơi nào chịu nhận? Trong khi những bạn bè của tôi đóng BHXH 19 năm thì sau thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp ở mức tối đa là 12 tháng, họ sẽ được nhận trợ cấp một lần. Số tiền ấy đủ để mở một cửa tiệm tạp hóa nho nhỏ hay mua một chiếc máy may, máy vắt sổ, máy photocoppy… để mưu sinh.
Còn tôi với 20 năm lẻ đóng BHXH, 10 năm nữa tôi sẽ được được hưởng lương hưu với mức khoảng 55% bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Theo tính toán của chị trưởng phòng nhân sự thì lương hưu hàng tháng của tôi là 1.100.000 đồng. Nếu nhà nước bù thêm cho không thấp hơn lương cơ sở thì cũng chỉ nhỉnh hơn con số ấy vài trăm ngàn.
Bây giờ tôi mới thấy mình dại. Tôi và nhiều chị em thật ngây thơ khi tin vào một chính sách nay vầy, mai khác và người ta chỉ tính đến bảo toàn quỹ hơn là vì quyền lợi của người thụ hưởng.
người lao động thích nhận BHXH một lần thay vì để dành cho tương lai
Không thể phủ nhận BHXH là chính sách an sinh xã hội tốt đẹp của nhà nước. Mục tiêu của nó là đóng bây giờ để hưởng về sau, đóng khi còn trẻ để được sống khỏe khi đã già. Thế nhưng thực tế đang cho thấy một điều ngược lại. Quy định tăng thời gian đóng nhưng lại giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của người lao động, nhất là lao động nữ kể từ năm 2018 là một bước lùi sâu hơn của chính sách. Điều này trả lời cho câu hỏi vì sao người lao động thích nhận BHXH một lần thay vì để dành cho tương lai, thậm chí nhiều người đã ngầm thỏa thuận với chủ để không đóng BHXH.
Một chính sách gây thiệt thòi cho người lao động như vậy thì dẫu báo chí có tô hồng bao nhiêu thì cũng không thể lấy lại niềm tin đã bị đánh mất; trừ khi nhà nước có sự điều chỉnh kịp thời.
Những người có trách nhiệm với quyền lợi của hàng triệu lao động nữ, xin đừng im lặng!
Bình luận (0)