Tham gia BHXH, BHYT từ năm 2019 nhưng cuối tháng 7-2022, khi làm thủ tục nhập viện sinh con, chị Nguyễn Ngọc Lan - nhân viên Công ty CP D.K (quận 1, TP HCM) - được bệnh viện thông báo thẻ BHYT không thể sử dụng do chưa đóng phí. Quá bất ngờ và lo lắng, chị Lan liên hệ với phòng nhân sự công ty thì được trả lời: Khi nào sinh con xong gửi hồ sơ vào công ty sẽ được thanh toán. Tìm hiểu từ BHXH TP HCM, chị Lan mới biết công ty đang nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của hơn 200 lao động với tổng số tiền hơn 3,4 tỉ đồng.
Người lao động thiệt thòi
Chị Lan nói do hằng tháng công ty đều trừ lương người lao động (NLĐ) để đóng BHXH, BHYT, BHTN nên không hề biết việc doanh nghiệp (DN) nợ BHXH. Bức xúc vì không được giải quyết chế độ thai sản, chị Lan đã đưa sự việc lên mạng xã hội. Lo ngại thông tin sẽ gây bất ổn cho quan hệ lao động, công ty yêu cầu chị Lan thu hồi bài đăng và hứa sẽ chi trả đầy đủ viện phí và chế độ thai sản cho chị.
Còn chị Đào Thị Thanh Huyền - nhân viên Công ty CP Dịch vụ Viễn thông S.G (quận 1, TP HCM) - nghỉ việc từ đầu tháng 2-2022 đến nay vẫn chưa được công ty chốt và trả sổ BHXH để làm thủ tục hưởng các quyền lợi BHXH, BHTN. Chị Huyền làm việc tại công ty và tham gia BHXH từ năm 2004. Do sức khỏe yếu, chị xin thôi việc và được công ty đồng ý. Trong quyết định thôi việc, công ty cam kết sẽ chốt và trả sổ BHXH cho chị nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Theo BHXH TP HCM, Công ty CP Dịch vụ Viễn thông S.G là một trong những DN nợ BHXH kéo dài với số tiền lớn (nợ 53 tháng với tổng số tiền hơn 34 tỉ đồng) và chây ì khắc phục. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc DN này không thể hoàn tất thủ tục chốt và trả sổ BHXH cho chị Huyền. "Tôi hiện không có việc làm nên rất cần sổ BHXH để làm thủ tục hưởng các chế độ. Việc công ty chây ì không thực hiện nghĩa vụ với NLĐ trong khi các cơ quan chức năng bất lực khiến tôi thiệt thòi quyền lợi" - chị Huyền bức xúc.
Gần 600 công nhân Công ty TNHH Nam Phương bị treo 27 tỉ đồng nợ BHXH từ năm 2018 đến nay
Để đòi quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN, 4 công nhân Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP HCM) vào năm 2018 đã khởi kiện ra tòa và thắng kiện với tổng số tiền hơn 253 triệu đồng. Tuy nhiên, dù bản án đã có hiệu lực, thậm chí chủ DN bị BHXH TP HCM đề nghị xử lý hình sự nhưng nhiều năm qua số tiền thắng kiện cũng chỉ nằm trên giấy. Ngoài ra, số nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 27 tỉ đồng của gần 600 lao động ở công ty này cũng bị treo từ năm 2018 đến nay do chủ DN đã trốn về nước.
Chế tài phải đủ mạnh
Theo BHXH TP HCM, từ năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, số nợ BHXH, BHYT, BHTN tại TP HCM tăng so với những năm trước, khoảng 3.702 tỉ đồng. Tính đến ngày 22-8, tại TP HCM đang có 960 đơn vị, DN nợ BHXH trên 6 tháng với số nợ từ 300 triệu đồng trở lên, tổng số tiền hơn 1.366 tỉ đồng.
Đáng lưu ý là những năm qua có đến 7.499 đơn vị, DN có chủ bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh còn nợ BHXH hơn 396 tỉ đồng nhưng không thể thu hồi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Lý do không thể thu hồi là vì các DN không còn ở địa điểm đăng ký; không có khả năng tài chính để trả nợ; việc xử lý đối với DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền.
Thời gian qua, BHXH TP HCM đã chuyển hồ sơ 84 đơn vị, DN nợ BHXH sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ Luật Hình sự với tổng số tiền 158 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào bị xử lý.
Cũng theo BHXH TP HCM, việc cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN vi phạm để bảo đảm thu hồi tiền phạt, tiền nợ còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có biện pháp chế tài hiệu quả dẫn đến tình trạng DN "lờn thuốc".
Để hạn chế tình trạng trên, BHXH TP HCM kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh thống nhất các hành vi được quy định trong các văn bản xử lý vi phạm hành chính và các tội danh liên quan BHXH, BHYT, BHTN được quy định trong Bộ Luật Hình sự; giao chức năng thanh tra toàn diện về thu, chi BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH.
Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý nợ, các giải pháp xử lý nợ BHXH đối với trường hợp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn. Các bộ, ngành trung ương và cơ quan chức năng liên quan cần có hướng dẫn chung, thống nhất về quy trình, thủ tục khởi tố hình sự đối với đơn vị nợ theo Bộ Luật Hình sự; sớm có hướng dẫn xử lý các hành vi không phải trốn đóng (đóng không đúng mức, không đủ số người thuộc diện tham gia...) hay trốn đóng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, có hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Gỡ vướng thủ tục khởi kiện cho tổ chức Công đoàn
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, khởi kiện DN nợ BHXH là biện pháp hữu hiệu để thu hồi nợ đọng, trốn đóng BHXH. Khi Luật BHXH năm 2014 ban hành, việc khởi kiện các DN nợ BHXH được giao cho tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, đến nay, việc khởi kiện đang ách tắc do vướng quy định Công đoàn phải có ủy quyền của từng NLĐ. "Thủ tục ủy quyền khá phức tạp, nhất là với những DN có đông lao động. NLĐ có tâm lý ngại va chạm với DN nên sẽ không làm thủ tục ủy quyền khởi kiện. Do vậy, nên bỏ quy định "ủy quyền" để công tác khởi kiện phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, Chính phủ cần có chế tài hiệu quả để bảo đảm việc DN thi hành án sau khởi kiện nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Bình luận (0)