Sáng 2-2 (mùng 9 Tết), thông tin từ các cấp Công đoàn (CĐ) TP HCM cho biết sau một thời gian dài nghỉ Tết, phần lớn người lao động (NLĐ) tại các TP lớn đã quay trở lại làm việc với tâm trạng hứng khởi. Không chỉ bày tỏ lạc quan về tình hình việc làm, thu nhập trong năm 2020, NLĐ còn đánh giá cao vai trò đại diện, đặc biệt là hiệu quả các chương trình chăm lo trong dịp Tết Canh Tý 2020 do các cấp CĐ khởi xướng.
Xuân ấm áp, nghĩa tình
Gắn với chương trình phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ, các cấp CĐ đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên và NLĐ khá phong phú, đa dạng, tạo được sự đồng thuận cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và người sử dụng lao động.
Đặc biệt năm nay, chương trình "Tết sum vầy" được tổ chức rộng khắp, qua đó tạo sức lan tỏa lớn trong cả nước. Theo thống kê, đã có hàng chục ngàn chương trình "Tết sum vầy - Mừng xuân, ơn Đảng" được tổ chức ở các cấp CĐ trên phạm vi toàn quốc, hàng triệu công nhân (CN) được thụ hưởng từ các hoạt động chăm lo Tết cả về vật chất và tinh thần của tổ chức CĐ. "Chương trình "Tết sum vầy" được tổ chức cho gần 1,2 triệu đoàn viên, NLĐ. Ngoài ra, còn có 10,3 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ Tết với tổng số tiền hơn 3.000 tỉ đồng. Cùng với các hoạt động tặng quà, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành ở trung ương đi thăm, chúc Tết và tặng quà cho NLĐ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những NLĐ khó khăn bị ảnh hưởng trong vùng thiên tai bão lũ, vùng sâu, vùng xa, KCX-KCN. Sự quan tâm, chăm lo chu đáo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức CĐ cùng với người sử dụng lao động đã giúp hàng chục triệu đoàn viên được hưởng một cái Tết ấm cúng.
Một điển hình thực hiện tốt chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ là LĐLĐ TP HCM với nhiều hoạt động thiết thực như: tặng 55.317 vé tàu, xe với tổng trị giá hơn 30 tỉ đồng cho CN khó khăn, nhiều năm liền không về quê ăn Tết; trao 281.835 phần quà tổng trị giá gần 172 tỉ đồng và 13 Mái ấm CĐ cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn. LĐLĐ các quận, huyện đã chủ động tổ chức "Tết sum vầy" đến tận các khu nhà trọ, khu lưu trú, kết hợp tổ chức họp mặt CN ở lại TP với các hội thi gói bánh chưng, bánh tét, nấu các món ăn truyền thống của dân tộc, góp phần giúp các gia đình CN xa quê có thêm một mùa Xuân ấm áp, nghĩa tình như đón Xuân tại quê nhà.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà Tết cho công nhân tại chương trình “Tết sum vầy”. Ảnh: TẤN THẠNH
Hướng về cơ sở, vì đoàn viên - lao động
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ Việt Nam trong năm 2020, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết trước thách thức hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam cũng phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; đồng thời để tiệm cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên vấn đề "tổ chức đại diện cho NLĐ tại doanh nghiệp (DN)" được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, CĐ Việt Nam vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện NLĐ để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, phải thực hiện vai trò là thành viên trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ đã được quy định trong điều 10 Hiến pháp năm 2013. Bối cảnh này đòi hỏi thời gian tới, các cấp CĐ cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về thời cơ và thách thức của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với CĐ Việt Nam, đối với đoàn viên, NLĐ. "Trọng tâm là cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, để CĐ Việt Nam thực sự là tổ chức đại diện của NLĐ, do NLĐ, vì NLĐ, lấy hiệu quả, chất lượng hoạt động, lợi ích đem lại cho đoàn viên làm điểm thu hút, tập hợp, gắn kết tổ chức CĐ với đoàn viên" - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu tổ chức CĐ Việt Nam, một trong những giải pháp CĐ Việt Nam cần tập trung là thực hiện tốt hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, NLĐ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật bảo vệ từ xa và bảo vệ trên diện rộng đối với NLĐ; chú trọng công tác thương lượng, ký kết, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể theo hướng thực chất, đưa vào thỏa ước những điều khoản có lợi cho NLĐ trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn của DN; đa dạng hóa các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, phát huy các nguồn lực của tổ chức CĐ kết hợp với nguồn lực xã hội trong chăm lo cho NLĐ.
"Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới" - ông Nguyễn Đình Khang khẳng định.
. Ông HUỲNH VĂN TUẤN, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM:
Đổi mới hoạt động chăm lo đoàn viên
Năm 2020 là năm nhiều luật mới có hiệu lực, đó là khó khăn và thách thức lớn cho tổ chức CĐ. Nhưng đây cũng là cơ hội mới cho tổ chức CĐ thể hiện vai trò, nhiệm vụ, chức năng đối với đoàn viên, NLĐ. Tổ chức CĐ phải thay đổi nội dung, phương thức hoạt động trước tình hình mới. Trong năm 2020, hưởng ứng phát động của Tổng LĐLĐ Việt Nam "Nâng chất hoạt động CĐ cơ sở", CĐ các KCX-KCN TP sẽ đẩy mạnh nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ CĐ để đủ bản lĩnh bảo vệ đoàn viên, thương lượng cùng ban giám đốc. Đẩy mạnh các chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên" bằng việc tìm kiếm nhiều đối tác, DN để bán hàng giảm giá, hỗ trợ cho đoàn viên, CN các KCX-KCN TP. Song song đó, CĐ các KCX-KCN TP sẽ đề xuất cùng LĐLĐ TP để các hoạt động chăm lo như đổi mới việc tặng vé máy bay, vé xe, vé tàu, tặng quà, mái ấm CĐ... được nhiều CN tiếp cận hơn.
. Ông WANG CHEN YI, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM):
Hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ
Nhiều chủ DN cho rằng việc thành lập CĐ cơ sở vừa tốn kém thời gian, nhân lực nhưng theo tôi, đây là suy nghĩ thiển cận bởi thực tế sự hiện diện của CĐ đã giúp người sử dụng lao động hưởng lợi. Thông qua hoạt động CĐ, chủ DN có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN, từ đó phối hợp hóa giải bức xúc và xa hơn là hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ NLĐ. CĐ cũng là cầu nối tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của NLĐ với người sử dụng lao động trên tư cách là một chủ thể độc lập. Qua hoạt động tuyên truyền, CĐ khuyến khích NLĐ nêu cao ý thức trong lao động, sản xuất, qua đó giúp DN sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn lực. Do vậy, tạo điều kiện cho CĐ hoạt động đồng nghĩa với việc ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ, từ đó phát triển DN bền vững hơn.
Trong năm 2020, tôi kỳ vọng tổ chức CĐ sẽ có nhiều chương trình, hoạt động sát sườn với đời sống, việc làm của NLĐ. Trong xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước, khi kỹ năng nghề quyết định đến việc làm và thu nhập của NLĐ thì tổ chức CĐ cần nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội, đặc biệt là trong việc xây dựng chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến NLĐ. Làm tốt được việc này sẽ giúp CĐ nâng cao vị thế của mình.
. Ông CỦ PHÁT NGHIỆP, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM):
Đẩy mạnh chương trình phúc lợi cho đoàn viên
Năm 2020, với xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước, đặc biệt là việc nước ta tham gia CPTPP, đã đặt tổ chức CĐ Việt Nam trước nhiều khó khăn, thách thức. Trình độ, nhận thức của NLĐ cũng đã được nâng lên, đòi hỏi của họ đối với CĐ ngày càng cao, do vậy nếu CĐ không thay đổi sẽ khó thu hút được NLĐ. Trong bối cảnh ấy, ngoài thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, hoạt động của tổ chức CĐ phải đi vào thực chất, thiết thực hơn. Muốn vậy, tổ chức CĐ cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa chương trình phúc lợi cho đoàn viên gắn quyền lợi thiết thân của NLĐ như: bố trí chỗ học cho con CN; tạo điều kiện cho NLĐ được mua nhà ở xã hội; xây dựng các thiết chế văn hóa tại nơi tập trung đông lao động để phục vụ cho nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của CN và gia đình họ...
. Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Chủ tịch CĐ Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM):
Nâng chất đội ngũ cán bộ CĐ
Tôi rất tâm đắc khi Tổng LĐLĐ Việt Nam chọn chủ đề hoạt động năm 2020 là năm "Nâng chất lượng hoạt động CĐ cơ sở". Bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức CĐ Việt Nam, do đó việc nâng cao chất hoạt động CĐ cơ sở cần phải được coi trọng. Để làm được điều đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam phải quan tâm nâng chất đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. Ở các DN, để làm tốt vai trò đại diện, ngoài kiến thức pháp luật và bản lĩnh thì cán bộ CĐ cũng cần có kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tập hợp, thuyết phục đoàn viên, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ CĐ cơ sở, đặc biệt là vị trí chủ tịch, phó chủ tịch.
Mặt khác, các cấp CĐ cần phải đẩy mạnh các chương trình phúc lợi cho đoàn viên theo hướng ngày càng thiết thực, gắn liền với cuộc sống của NLĐ như nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục... Đây là những nhu cầu bức thiết của NLĐ. Nếu CĐ chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách hoặc trở thành cầu nối giữa NLĐ với các đơn vị cung ứng dịch vụ thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ. Tôi tin rằng nếu làm được điều đó, CĐ Việt Nam sẽ luôn là lựa chọn duy nhất của đoàn viên, NLĐ.
M.Chi - T.Nga - C.Hường - A.Khánh
Bình luận (0)