Đến với vòng trình diễn thời trang tại hội thi thợ giỏi thiết kế, cắt may và trình diễn thời trang do Công đoàn (CĐ) và Đoàn Thanh niên Công ty Dệt may Gia Định và CĐ Dệt may TP HCM phối hợp tổ chức, nhiều công nhân không nhận ra cô bạn đồng nghiệp hằng ngày vẫn ngồi cạnh mình “vì cô ấy bỗng trở nên xinh tươi, dễ thương trong vai trò người mẫu”. Hội thi đã tạo nguồn sinh khí mới mẻ; là cơ hội để các nhà thiết kế, cắt may không chuyên tranh tài.
Tạo ra sản phẩm mới, giá trị cao
Đây là lần đầu tiên Công ty Dệt may Gia Định tổ chức hội thi như thế. Nội dung thi là thiết kế trang phục ở nhà cho nữ từ 18 đến 55 tuổi. Thí sinh được tự do lựa chọn chất liệu, màu sắc và kiểu dáng trang phục... Với tiêu chí tiện dụng, thoải mái, đẹp, qua hơn 2 tháng triển khai, từ 75 tác phẩm của 15 đội tham gia, ban tổ chức đã chọn ra 55 tác phẩm của 11 đội vào thi trình diễn thời trang. Các người mẫu hoàn toàn là “cây nhà lá vườn” nhưng đã thể hiện được những điểm nhấn của các bộ thời trang mặc nhà một cách mộc mạc, dễ thương. Thí sinh Bùi Thị Thảo, Trung tâm Thời trang Sanding, cho biết: “Thiết kế và cắt may là công việc hằng ngày nên chúng tôi có nhiều thuận lợi. Nhưng lần đầu tham gia một hội thi lớn, cả đội thống nhất với nhau phải đầu tư nghiêm túc, đúng chủ đề và tạo được những sản phẩm tiện dụng, thoải mái nhất, thể hiện nét đẹp của phụ nữ”.
Ông Đào Xuân Đức, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Gia Định, nhận xét: “Hội thi không chỉ góp phần đào tạo nghề, tôn vinh thợ giỏi mà còn tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị cao. Những tác phẩm đạt giải cao sẽ được phổ biến rộng rãi ra thị trường”.
Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Với đặc điểm là quận trung tâm, có nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng..., hằng năm LĐLĐ quận 1, TP HCM đều tổ chức các hội thi tay nghề thu hút đông đảo người lao động tham gia như phục vụ bàn, thiết kế, bảo vệ chuyên nghiệp...
Hội thi “Người bảo vệ chuyên nghiệp” do LĐLĐ quận cùng Công an quận tổ chức mới đây đã thu hút 66 thí sinh của 26 đơn vị dự thi. Nội dung thi xoay quanh nghiệp vụ bảo vệ, pháp luật lao động và xử lý tình huống. Anh Phan Văn Đức, bảo vệ chợ Tân Định, đã bốc thăm trúng tình huống: “Khi đang bảo vệ mục tiêu, có một đám đông đến gây rối, anh phải làm gì?”. Dù chưa gặp tình huống này trong thực tế nhưng nhờ tìm hiểu kỹ trên các phương tiện truyền thông cũng như học tập kinh nghiệm của các đơn vị khác, anh Đức đã xử lý bằng cách đóng cổng cơ quan lại để ngăn chặn đám đông tràn vào đập phá tài sản. Sau đó, anh tìm cách liên lạc với đồng nghiệp ở những vị trí khác, yêu cầu hỗ trợ. Anh cũng nhanh chóng báo cho lãnh đạo biết và liên lạc với cơ quan công an gần nhất. Cách xử lý này đã giúp anh Đức giành được giải nhất của hội thi. “Qua hội thi, tôi biết thêm được nhiều kiến thức pháp luật và học hỏi được nhiều kỹ năng ứng xử cho công việc hằng ngày” - anh Đức bày tỏ.
Tương tự, với vị trí trung tâm, đa số là các doanh nghiệp nhỏ, làm dịch vụ, LĐLĐ quận 3, TP HCM đã chọn những ngành nghề gần gũi với người lao động: Kế toán giỏi, tiếp thị giỏi, bán hàng giỏi... Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch LĐLĐ quận 3, cho biết: “Những ngành nghề gần gũi sẽ thu hút đông thí sinh tham gia và được doanh nghiệp ủng hộ. Qua mỗi hội thi, thí sinh không chỉ được ôn lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, phục vụ cho công việc tốt hơn”.
Ông NGUYỄN VĂN KHẢI, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Cơ hội để lao động Việt Nam hội nhập
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Chỉ riêng Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, nguồn lao động di cư tự do trong khối sẽ là thách thức lớn cho lao động Việt Nam; nếu không giỏi nghề, người lao động có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà. Vì thế, tổ chức CĐ cần phối hợp tổ chức nhiều hội thi tay nghề, nâng bậc để người lao động rèn luyện kiến thức, kỹ năng. Nếu nắm bắt tốt, đây là cơ hội để lao động Việt Nam hội nhập, nâng cao giá trị của bản thân; đồng nghĩa với nâng cao thu nhập, đời sống.
Bình luận (0)