xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ rối chính sách BHXH cho doanh nghiệp

Bài và ảnh: MAI CHI

Nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHXH của doanh nghiệp đã được Cơ quan BHXH TP HCM giải quyết

"Trong 1 năm, công ty chúng tôi đã bị BHXH địa phương kiểm tra 4 lần vì phát sinh các trường hợp người lao động (NLĐ) nghỉ hưởng chế độ thai sản sau khi đóng BHXH vừa đủ 6 hoặc 7 tháng. Việc kiểm tra liên tục như vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà còn thể hiện sự phân biệt đối xử đối với NLĐ mang thai - hành vi bị cấm theo quy định của Bộ Luật Lao động. Chúng tôi đề nghị BHXH dừng ngay việc thanh - kiểm tra DN khi phát sinh các trường hợp NLĐ nghỉ hưởng chế độ thai sản khi họ đáp ứng đủ điều kiện hưởng". Đây là kiến nghị của Công ty TNHH May Thêu Thuận Phương (quận 6, TP HCM) tại Hội nghị đối thoại DN và BHXH TP HCM diễn ra sáng 28-2.

Không có sự phân biệt đối xử

Theo ông Vũ Trọng Hiền, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH May Thêu Thuận Phương, việc DN liên tục bị kiểm tra vì lý do trên là bất hợp lý. Bởi lẽ, việc nghỉ hưởng chế độ thai sản khi nào là phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng NLĐ; việc đóng BHXH căn cứ vào thời điểm ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) của NLĐ. Hai thời điểm này, DN không thể tự điều chỉnh nên nếu phát sinh trường hợp NLĐ hưởng thai sản khi đóng vừa đủ BHXH không phải là sai sót của DN.

Mặt khác, hồ sơ cơ quan BHXH yêu cầu DN cung cấp khi kiểm tra cũng chưa hợp lý. Chẳng hạn, khi kiểm tra trường hợp một NLĐ ký HĐLĐ và đóng BHXH từ tháng 4-2022; sinh con vào cuối tháng 10-2022 và báo giảm nghỉ thai sản tháng 11-2022, phía BHXH yêu cầu công ty phải cung cấp: HĐLĐ năm 2022, 2023; bảng chấm công, bảng lương thực nhận năm 2022, 2023; quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2021; báo cáo tài chính năm 2021. Đòi hỏi này khiến DN mất nhiều thời gian để chuẩn bị.

Gỡ rối chính sách BHXH cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp nêu các vướng mắc về BHXH tại Hội nghị đối thoại với BHXH TP HCM

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, khẳng định không có sự phân biệt đối xử khi thực hiện kiểm tra đối với các trường hợp hưởng chế độ thai sản. Theo ông Thanh, hiện nay DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách cho NLĐ. Do vậy, thanh tra, kiểm tra là hoạt động thường kỳ của cơ quan BHXH nhằm bảo đảm việc thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, sẽ tập hợp tất cả trường hợp phát sinh để kiểm tra một lần chứ không kiểm tra nhiều lần trong năm.

Bà Đỗ Thị Thu Hiền, kiểm soát viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1, cho hay đơn vị cũng vừa nhận được thông báo thanh tra của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM do chậm đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Công ty đang trong quá trình chuẩn bị tiếp nhận, vận hành tuyến metro số 1 và có 18 lao động. Theo quy định, DN chưa vận hành sẽ không được cấp kinh phí hoạt động, cho nên hơn 1 năm qua, NLĐ không có lương và DN cũng không có kinh phí để đóng BHXH. Vậy nên, nếu bị thanh tra và xử phạt về hành vi chậm đóng, nợ đóng BHXH cho NLĐ, DN sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với DN, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở LĐ-TB-XH TP HCM), cho biết không phải cứ thanh tra là cơ quan thanh tra sẽ ra quyết định xử phạt đối với DN. Ngoài xem xét, kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động, BHXH, đoàn thanh tra cũng sẽ lắng nghe, ghi nhận tình hình thực tế tại DN, để từ đó có hướng xử lý phù hợp.

Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp

Tại buổi đối thoại, các DN còn phản ánh một số vướng mắc liên quan việc xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (quận 3, TP HCM) phản ánh xét về tính chất công việc thì nhân viên trực tổng đài 24/7 có môi trường làm việc tương đồng với chức danh khai thác điện thoại của ngành bưu chính viễn thông (đeo tai nghe thường xuyên, căng thẳng thần kinh, tâm lý). Tuy nhiên, do không làm việc ở DN hoạt động trong ngành bưu chính viễn thông nên NLĐ không được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là chưa thỏa đáng.

Tương tự, đại diện một DN hoạt động trong ngành may cho rằng các tên gọi trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư 11/2020/TTBLĐTBXH chưa phù hợp tình hình thực tế tại DN. Ví dụ với công việc cắt vải, để dễ quản lý, DN phân chia công nhân cắt vải thành các chức danh: thợ cắt, trải vải, bó hàng, đánh số… NLĐ thuộc các chức danh này làm việc cùng khu vực, chung điều kiện môi trường làm việc và các yếu tố nặng nhọc, độc hại theo quy định.

Tuy nhiên, nếu ghi tên các chức danh công việc như trên sẽ không được công nhận là làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà phải đăng ký với tên gọi chung là "Cắt vải trong công nghệ may". Cũng chính vì bất cập này mà một số lao động ở Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM) chịu thiệt thòi vì không được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại. Đại diện công ty cho hay thực tế, NLĐ có làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nhưng chức danh ghi trong sổ BHXH và dữ liệu BHXH không phù hợp quy định. Do nghỉ việc đã lâu, NLĐ và DN không còn lưu HĐLĐ, quyết định lương… để cung cấp cho cơ quan BHXH nhằm chứng minh có làm việc trong môi trường độc hại. Do đó, cơ quan BHXH từ chối điều chỉnh chức danh do không có cơ sở thực hiện.

Đại diện BHXH TP HCM cho biết trường hợp NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng trên sổ BHXH và dữ liệu đóng BHXH chưa ghi nhận đúng chức danh công việc theo các quy định của Bộ LĐ-TB-XH thì NLĐ hoặc DN lập hồ sơ điều chỉnh theo quy định. Cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH xem xét điều chỉnh chức danh làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các giấy tờ gốc có liên quan xuyên suốt thời gian cần điều chỉnh được quy định tại Phụ lục 01 Quyết định số 595/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH

Để ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm của DN, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất một số giải pháp mạnh tay hơn. Cụ thể, ngoài chế tài thu hồi và tính lãi tiền chậm đóng BHXH, khởi kiện ra tòa, khởi tố hình sự (như Luật BHXH hiện hành), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung một số chế tài như: Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố ngừng sử dụng hóa đơn (phong tỏa hóa đơn) đối với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên, hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên.

N.Tú

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo