Buổi đối thoại giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM với doanh nghiệp (DN) đã được Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức sáng 26-4. Hơn 200 đại diện DN đã tham dự và đặt hơn 80 câu hỏi liên quan đến các vướng mắc về lương tối thiểu vùng, lương làm ngoài giờ, thực hiện đăng ký thang, bảng lương, giải quyết trợ cấp thôi việc, chế độ đối với lao động cao tuổi, lao động trong thời gian học nghề, BHXH…
“Đau đầu” vì lương
Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Do vậy, tại lần đối thoại này, vấn đề xây dựng thang, bảng lương và mức lương, phụ cấp lương áp dụng để đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) được nhiều DN quan tâm.
Đại diện Công ty TNHH Điện tử viễn thông Hải Đăng thắc mắc: Trong các khoản lương hiệu quả, lương doanh số, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, tiền nuôi con nhỏ, hỗ trợ ốm đau, ma chay, cưới hỏi…, khoản nào được quy vào khoản bổ sung theo quy định của pháp luật?
Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM trả lời: Theo Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH thì các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc trong hợp đồng lao động (HĐLĐ). Các khoản bổ sung khác không bao gồm tiền thưởng theo quy định tại điều 103 Bộ Luật Lao động; tiền ăn giữa ca; tiền sinh nhật, các khoản hỗ trợ khi NLĐ có người thân kết hôn, NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ. Bên cạnh đó, theo Thông tư 47/2015/BLĐTBXH, các khoản bổ sung này sẽ phải ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo quy định tại Nghị định 05/NĐ-CP.
Đại diện Công ty TNHH Minh Cường thắc mắc: “Ở công ty chúng tôi, mức lương trả cho NLĐ được chia thành 2 khoản: lương đóng BHXH và lương hiệu quả công việc (tùy theo kết quả hoàn thành công việc hằng tháng của nhân viên). Trong đó, lương hiệu quả NLĐ nhận được cao hơn lương đóng BHXH. Như vậy, theo quy định mới là đóng BHXH dựa theo lương và phụ cấp thì công ty sẽ phải đóng BHXH như thế nào?”.
Bà Huỳnh Thị Anh Mai, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết hiện trong các DN đang thực hiện nhiều mức lương khác nhau song theo quy định của pháp luật thì không hề có định nghĩa về “mức lương đóng BHXH”. “Do vậy, DN cần căn cứ theo quy định của Luật BHXH để xác định mức lương đúng nhất khi tham gia BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ” - bà hướng dẫn.
Rắc rối trợ cấp thôi việc
Tại buổi đối thoại, việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho NLĐ cũng được nhiều DN đặt ra. Đại diện Công ty Sài Gòn Phú Sĩ hỏi: “Theo quy định, thời gian thử việc cũng được tính để trả trợ cấp thôi việc nhưng công ty muốn thực hiện việc chi trả 1% vào lương của NLĐ để khỏi thanh toán trợ cấp thôi việc về sau khi NLĐ nghỉ việc có được không?”. Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM khẳng định là “không”.
Theo phân tích của bà Mai thì trong thời gian thử việc, NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, việc trả khoản trợ cấp thôi việc 1% vào lương trong thời gian này là không hợp lý.
Về vấn đề DN có phải trả khoản trợ cấp thôi việc vào lương cho lao động người nước ngoài mà một DN khác đặt ra, bà Mai cho biết: Vì lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên ở trường hợp này, DN phải trả trợ cấp thôi việc vào lương cho NLĐ.
Bên cạnh đó, khi đề cập câu hỏi do một số DN đặt ra về việc muốn giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc từ năm 2009 trở về trước cho tất cả NLĐ đang làm việc tại đơn vị thì liệu có vi phạm luật, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM nhấn mạnh: “Bản thân tên của chế độ trợ cấp thôi việc đã nói lên tất cả, tức là trợ cấp cho NLĐ khi họ thôi việc. Như vậy, việc DN trả trợ cấp thôi việc khi NLĐ đang còn làm việc là không đúng tinh thần của pháp luật lao động”.
Ngoài những vấn đề nêu trên, nhiều khúc mắc mà DN gặp phải trong quá trình thực thi pháp luật lao động như: đăng ký lao động, hưởng BHXH 1 lần, các chế độ với NLĐ cao tuổi, lao động trong môi trường nặng nhọc độc hại, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn - vệ sinh lao động... cũng đã được các chuyên gia đến từ Sở LĐ-TB-XH TP HCM giải thích khá cặn kẽ.
Phải tham khảo ý kiến Công đoàn
Trả lời câu hỏi trường hợp DN chưa có hoặc không đủ điều kiện thành lập Công đoàn (CĐ) cơ sở thì khi đăng ký thang, bảng lương có phải thông qua CĐ cấp trên không, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết: Theo điều 7, Nghị định 49/NĐ-CP, khi xây dựng hoặc sửa đổi thang lương, bảng lương, DN phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành CĐ cơ sở tại DN hoặc ban chấp hành CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập CĐ và công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện. Đồng thời, phải gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của DN.
Như vậy, khi chưa thành lập CĐ cơ sở, DN phải đề nghị CĐ cấp trên trực tiếp nơi DN đặt trụ sở chính cho ý kiến về vấn đề này để bảo đảm đúng thủ tục quy định.
Bình luận (0)