Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhận định: Hầu hết các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là những quốc gia thiếu lao động trong khi Việt Nam vẫn đang thừa lao động. Cần lưu ý là nước ta dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu đúng vào thời kỳ đang quyết liệt tinh giản biên chế, nhiều lao động mất việc. Hơn nữa, giải quyết công ăn việc làm cho NLĐ trẻ cũng còn khó khăn, mỗi năm cả nước vẫn có tới hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm ngàn cử nhân.
Rất hiếm công nhân da giày đủ sức làm việc đến tuổi nghỉ hưu Ảnh: AN CHI
Ai cũng biết sức khỏe và năng suất lao động của phần lớn công nhân ở các ngành thâm dụng lao động (dệt may, giày da) thường xuống rất nhanh, đặc biệt là khi bước sang tuổi 40. Một khi không còn đủ sức lực để đeo bám công việc, họ phải đối diện với nguy cơ mất việc. Do vậy, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên quy định hiện hành. Trường hợp lao động đến tuổi nghỉ hưu mà có nhu cầu và tha thiết với công việc thì làm đơn đề nghị tiếp tục ở lại làm việc nhưng phải được cơ quan và người sử dụng lao động thống nhất. Việc ban soạn thảo lấy tuổi thọ làm cơ sở để đánh giá tuổi hưu theo tôi cũng chưa xác đáng. Thực tế, công nhân ở lĩnh vực gia công, nặng nhọc, độc hại hầu như bỏ việc sớm, trước thời điểm hưởng hưu. Nguyên nhân do cường độ làm việc căng thẳng trong khi chế độ dinh dưỡng quá kém. Mất việc, họ phải bươn chải để kiếm sống. Khi cơ hội tìm việc hầu như bằng không, việc tăng tuổi nghỉ hưu dẫn đến khó khăn, thiệt thòi cho công nhân. Thực trạng này đòi hỏi việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, không gây sốc và không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Nếu muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải phân loại theo từng ngành nghề cụ thể, đặc thù cũng như một cơ chế mở cho NLĐ lựa chọn.
Bình luận (0)