Sáng 14-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng một số hiệp hội, tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, làm thêm giờ và tiền lương mà DN phải trả cho làm thêm giờ.
Không nên quy định cứng nhắc giờ làm thêm
Quy định mới trong dự thảo sẽ mở rộng khung làm việc tối đa, "nới" thêm 100 giờ làm thêm so với hiện nay (từ 300 giờ lên 400 giờ), ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng không phải là mở rộng ra tất cả, chỉ những ngành nghề được phép mới được tăng thêm 100 giờ làm thêm. "Mục tiêu là tăng tiền lương, giảm giờ làm nhưng vì điều kiện hiện nay, có những yếu tố có thể cho phép nâng thời gian làm thêm ở một số ngành nghề, chứ không phải mở rộng tràn lan" - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá dự thảo đã tiếp thu cơ bản ý kiến của các DN, Hiệp hội DN. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề lớn, ban soạn thảo cần tiếp thu thêm nữa. Về giờ làm thêm, ông Cẩm nhìn nhận hiệp hội đồng ý với dự thảo là không quy định làm thêm giờ theo tháng, vì quy định tối đa 30 giờ/tháng thì rất ngặt nghèo cho DN. Kiến nghị giờ làm thêm nên nới rộng ra hơn 40 giờ/tuần. "Giờ làm thêm trong một năm đề nghị tăng lên 50% so với luật hiện hành, nghĩa là không quá 300 giờ/năm và đối với một số ngành nghề đặc biệt không quá 450 giờ/năm" - ông Cẩm góp ý.
Nhiều ý kiến đề xuất nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như dệt may, da giày Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết thời gian làm thêm giờ hiện tối đa là 300 giờ nhưng với quy định trong dự thảo thì làm thêm chỉ 200 giờ và "trường hợp đặc biệt" mới được tăng lên 400 giờ/năm. "Không nên quy định cứng nhắc giờ làm thêm như trong dự luật (400 giờ/năm) mà nên để Chính phủ quy định chi tiết với những lĩnh vực, để có thể vượt 400 giờ/năm. Tăng lên 400 giờ/năm thì thực ra người lao động (NLĐ) cũng không phải làm quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe" - vị đại diện này nói, đồng thời đề nghị không tính tiền theo lũy tiến làm thêm giờ. Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng, than vãn rằng nếu quy định như trong dự thảo luật, sẽ khiến DN rất khốn khổ. "DN Việt Nam không thể lớn mạnh và phát triển cũng vì những điều quy định như trong luật hiện hành, như lương giờ làm thêm, tăng lương tối thiểu hằng năm trong khi năng suất lao động không tăng" - ông Thịnh nói.
Chọn thời điểm thích hợp
Về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, ông Trương Văn Cẩm nhận định từ giác độ ngành dệt may, hiệp hội cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đưa vào dự thảo lần này là chưa phù hợp. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chúng ta vẫn đang trong thời kỳ "dân số vàng", khả năng còn kéo dài đến năm 2035. "Lao động làm việc trong đơn vị hành chính sự nghiệp đang dư thừa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ duy trì bộ máy kém hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta hiện có hơn 220.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm". Vẫn theo ông Cẩm, tuổi thọ của người Việt Nam tuy có tăng, do tiến bộ về y tế. Ông đề nghị việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên thực hiện khi thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" kết thúc, đồng thời thực hiện tăng ở khối hành chính sự nghiệp trước khu vực sản suất từ 5-10 năm.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, cũng cho rằng với khối sản xuất, tăng tuổi nghỉ hưu chưa cần thay đổi mà nên để đến thời điểm thích hợp thì mới tính đến tăng tuổi nghỉ hưu, còn với khối hành chính sự nghiệp có thể có quy định riêng. Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất không nên tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm hiện nay. Theo các đại biểu, tuổi nghỉ hưu đối với lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như dệt may, da giày nên giữ nguyên, chỉ nâng tuổi hưu trong lĩnh vực lao động làm công việc phổ thông.
Về quy định thời gian nghỉ Tết âm lịch, ông Cẩm cho rằng không nên thay đổi quy định về thời gian nghỉ Tết âm lịch. Vì hiện có nhiều NLĐ làm xa nhà, nên DN cho NLĐ nghỉ Tết thêm, thậm chí nghỉ tới hết ngày 15 tháng giêng. Qua đó NLĐ thêm động lực làm việc. Nhiều ý kiến cũng đồng thuận và cho rằng quy định nghỉ Tết âm lịch đang thực hiện ổn định, không nên bàn tới việc sửa đổi. Về thống nhất giờ làm các cơ quan nhà nước về một khung giờ (8 giờ 30 phút tới 17 giờ 30 phút mỗi ngày), theo ông Lợi, nên để các cơ quan, địa phương linh động quy định giờ làm theo điều kiện khí hậu, tập quán tại địa phương mình.
Tiền lương làm thêm nên tính lũy tiến
Hơn 50 đại biểu đến từ các sở, ngành ở TP HCM đã tham dự hội thảo góp ý Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP tổ chức chiều 14-5. Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý về các nhóm vấn đề: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương... Góp ý tại hội thảo, đa số đại biểu đồng tình với việc mở rộng khung giờ làm thêm lên mức tối đa là 400 giờ/năm nhưng tiền lương làm thêm phải tính theo mức lũy tiến để tránh trường hợp DN không tuyển thêm người, tận dụng giờ làm thêm để vắt kiệt sức NLĐ.
Đối với vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, các đại biểu cho rằng cần có đánh giá tác động, nhất là đối với lao động trực tiếp sản xuất trong các ngành nghề thâm dụng lao động; xem xét lại quy định về quyền nghỉ hưu sớm không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động hay làm công việc nặng nhọc, độc hại đặc biệt là đối với lao động nữ khi độ tuổi hưởng chế độ sẽ được điều chỉnh lên 5 năm. Đồng thời việc điều chỉnh tuổi hưu phải đồng bộ với quy định của Luật BHXH về điều kiện hưởng lương hưu để bảo đảm an sinh cho NLĐ.
M.Chi
Bình luận (0)