Trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ Luật Lao động", Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) vừa tổ chức tọa đàm "Sửa đổi Bộ Luật Lao động: Tiếng nói từ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ)". Mục tiêu tọa đàm hướng đến là đánh giá tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động tại DN, bình đẳng giới trong trả tiền công, đặc biệt là tăng tuổi nghỉ hưu…
Ưu ái lao động nữ
Ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết công ty hiện có 3.000 công nhân (CN). Do đặc thù là ngành nghề cơ khí chế tạo, nặng nhọc nên tỉ lệ lao động nữ (LĐN) rất ít (chỉ từ 13%-15%), chủ yếu làm việc văn phòng và giám sát, vệ sinh. Hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động nhưng sẽ tuyển dụng theo tính chất công việc và không có sự giới hạn lao động nam hoặc nữ. Riêng đối với LĐN, công ty ưu tiên và có thêm nhiều chính sách đãi ngộ tốt hơn, nhất là về thai sản. "Như ở DN chúng tôi, LĐN có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, khi nghỉ thai sản, thay vì được lãnh 70% lương cơ bản đóng BHXH, công ty sẽ bù vào để họ được lãnh 85% lương thực tế, tức 8.5 triệu đồng/tháng" - ông Hùng cho hay.
Việc xem xét nâng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với đặc thù từng ngành nghề Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng Phòng Quản lý khách hàng chiến lược dịch vụ khoán việc Công ty Manpower, cho biết LĐN tại Công ty Manpower luôn được đánh giá rất cao. Tại Công ty Manpower, 42% lãnh đạo là nữ. Việc bổ nhiệm lãnh đạo tùy vào năng lực chứ không xét giới tính, dân tộc, quốc gia. Quy trình bổ nhiệm tuyển dụng, yếu tố giới tính bị loại bỏ tiêu chí xét tuyển để có quy trình tuyển dụng khách quan. Ngoài ra, trong quá trình làm việc với các đối tác về tuyển dụng lao động, công ty luôn khuyến cáo DN nếu phân loại lựa chọn yếu tố giới trong tuyển dụng sẽ hạn chế đến 50% cơ hội tuyển chọn người có năng lực phù hợp cũng như giới hạn về cơ hội về việc làm của NLĐ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Dũng, cho biết Công đoàn cơ sở thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có đề xuất thiết thực giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Đơn cử như đề xuất tăng tiền ăn bữa trưa; hỗ trợ bảo lãnh cho NLĐ vay vốn; kêu gọi thành lập quỹ tương thân tương ái; xây nhà hỗ trợ chỗ ở và tạo điều kiện để NLĐ yên tâm làm việc… Từ thực tiễn đời sống NLĐ, ông Hùng bày tỏ mong muốn các nội dung sửa đổi trong Bộ Luật Lao động cần hướng đến bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, nhất là LĐN, đồng thời tạo sự hài hòa, ổn định cho sự phát triển của DN.
Nên "mở" độ tuổi nghỉ hưu
Cũng tại buổi khảo sát, các đại biểu cũng cho rằng Việt Nam hiện có 52 triệu nữ giới, 47% trong số đó đang trong độ tuổi lao động. Những ngành nghề sử dụng nhiều LĐN là may mặc, dịch vụ, giày da… Ngành sử dụng lao động nam nhiều là công nghiệp nặng, chế tạo, cơ khí… Do đó, việc quy định độ tuổi về hưu nên tính đến đặc thù nghề nghiệp.
Theo luật sư Nguyễn Giang Nam, Văn phòng Luật Smart Law - Đoàn Luật sư TP HCM, nghỉ hưu của NLĐ ở Việt Nam hiện nay được quy định tại điều 187 Bộ Luật Lao động 2012, Luật BHXH 2014. Ngoài ra, Chính phủ còn quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn nhưng không quá 5 tuổi, tuổi nghỉ hưu thấp hơn từ 1 đến 5 tuổi đối với một số nhóm đối tượng. Trong điều kiện làm việc bình thường, tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thực tế tuổi nghỉ hưu thấp hơn rất nhiều. Đơn cử, theo thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ hưu của nam là 55,61 tuổi (thấp hơn gần 4,4 tuổi) và nữ là 52,56 tuổi (thấp hơn 2,44 tuổi); thời gian đóng BHXH bình quân của nam là 28 năm, của nữ là 23 năm; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi đủ 60 đối với nam, đủ 55 đối với nữ chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định chiếm tỉ lệ cao trên 50%...
Cũng theo luật sư Nam, tại một số quốc gia trong khu vực, Trung Quốc cũng đang đề xuất tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ là 60 tuổi; Nhật Bản đang thực hiện tuổi nghỉ hưu cho nam là 69 tuổi, nữ là 67 tuổi; Hàn Quốc đang thực hiện tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ là 60 tuổi; Việt Nam đang đề xuất là nam nghỉ hưu khi 62 tuổi, nữ là 58 tuổi. "Việt Nam cũng không ngoại lệ, thực tế sẽ ngày càng có nhiều lao động lớn tuổi mong muốn tiếp tục làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu; người dân phần lớn có quan điểm ủng hộ hơn sự tham gia của NLĐ lớn tuổi vào thị trường lao động. Những thay đổi này đang và sẽ tiếp tục mang lại những kết quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi Chính phủ và toàn xã hội có những chính sách và giải pháp mới phù hợp hơn để có thể cân bằng giữa già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội" - luật sư Nam bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Mạnh Hùng cho hay hiện nay rất nhiều NLĐ có năng lực, có sức khỏe tốt lại phải về hưu trong khi khả năng cống hiến của họ còn rất nhiều. "Tôi cho rằng về hưu sớm là một sự lãng phí rất lớn trong khi xã hội đang thiếu lao động, cần sự cống hiến của họ. Tôi đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình để NLĐ đỡ "sốc". Không nên có độ tuổi nghỉ hưu chung, luật nên "mở" độ tuổi nghỉ hưu cho các ngành nghề khác nhau, các ngành đặc thù, nặng nhọc, độc hại" - ông Hùng đề xuất.
Bà HOÀNG THỊ THU HƯỜNG, Viện phó Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường:
Không để người lao động thiệt thòi
Tọa đàm là một trong những hoạt động của dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ Luật Lao động", do iSEE triển khai với nhiều nội dung liên quan đến cơ chế tiền lương, bình đẳng giới và tăng tuổi nghỉ hưu... đối với NLĐ. Khảo sát các DN may ở phía Bắc và DN cơ khí ở phía Nam, mong muốn của chúng tôi là có những cái nhìn tổng quát về tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động, bình đẳng giới trong trả tiền công, tăng tuổi nghỉ hưu... để có những xuất hợp lý nhằm tránh thiệt thòi cho NLĐ. Thông qua đề xuất của NLĐ và DN giúp iSEE tổng hợp và kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng về việc sửa đổi Bộ Luật Lao động, nhằm bảo đảm quyền lợi cho cả hai phía.
Bình luận (0)