Trước thềm Đại hội lần thứ XI Công đoàn (CĐ) quận 4, TP HCM (nhiệm kỳ 2018-2023), sáng 30-3, gần 200 đại biểu tham dự đại hội CĐ quận 4 đã có buổi gặp gỡ trao đổi chân tình cùng lãnh đạo Quận ủy và UBND quận. Bên cạnh các trăn trở, kiến nghị nhằm nâng cao đời sống, nhà ở, thu nhập, chăm sóc sức khỏe cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn quận, nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động CĐ các cấp.
Thực hiện tốt vai trò đại diện
Theo ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rộng khắp và điều này tác động không nhỏ đến tình hình việc làm, đời sống NLĐ. "Ở các nhà máy, xí nghiệp, robot đã và đang thay thế dần công nhân, nguy cơ mất việc hiển hiện trước mắt NLĐ. Do vậy, NLĐ cần nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực từ nhà nước, doanh nghiệp (DN) và tổ chức CĐ để nâng cao trình độ học vấn lẫn tay nghề. Tự thân NLĐ cũng phải chủ động nâng mình để hội nhập, xem đó là điều kiện để ổn định việc làm và thu nhập về lâu dài" - ông Đạt bày tỏ. Đồng tình với ý kiến này, ông Lâm Quang Minh, cán bộ CĐ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 4, cho rằng trong xu thế hội nhập hiện nay, nền tảng kiến thức ngoại ngữ là chìa khóa giúp NLĐ tìm kiếm việc làm và cơ hội thăng tiến. "Cần thường xuyên tổ chức các CLB ngoại ngữ để CNVC- LĐ có cơ hội trau dồi kiến thức. Với nền tảng ngoại ngữ khá, chắc chắn NLĐ có thể tiếp cận những tri thức mới" - ông Minh đề xuất.
Thí sinh tham dự hội thi thợ giỏi ngành da giày do LĐLĐ quận 4, TP HCM tổ chức
Theo các đại biểu, xu thế hội nhập của đất nước đòi hỏi tổ chức CĐ phải thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Do vậy, về lâu dài, tổ chức CĐ cần đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là kỹ năng thương thảo cho đội ngũ cán bộ CĐ các cấp. "Tranh chấp về lợi ích phát sinh đòi hỏi đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở phải có bản lĩnh, kiến thức lẫn kỹ năng đối thoại. Kỹ năng đối thoại tốt sẽ tạo lợi thế không nhỏ cho cán bộ CĐ trong quá trình hòa giải và bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ" - ông Chền Hếnh Phu, đại diện CĐ Công ty CP Dịch vụ Gia Cát, cho biết. Trong khi đó, theo ông Đào Xuân Tuyên, đại biểu cơ quan BHXH quận, ngoài tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở, CĐ quận phải xây dựng mô hình điểm trong các loại hình hoạt động CĐ để qua đó nhân rộng cho các nơi học tập, tham khảo.
Năng động, sáng tạo vì NLĐ
Theo ông Trần Hoàng Quân - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 4 - đặc thù quận 4 có hơn 4.000 DN, 98% DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, 75% DN là dạng siêu nhỏ có tác động lớn đến đặc thù hoạt động CĐ. "Ngoài việc thực hiện tốt chức năng đại diện, tổ chức CĐ phải thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, DN, đặc biệt là CNVC-LĐ. Thông qua công tác nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức CĐ có thể góp ý, định hướng để cải thiện nhiều hơn chất lượng công việc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" - ông Quân gợi ý.
Báo cáo với lãnh đạo địa phương, đại diện LĐLĐ quận 4 cho biết trong những năm qua, với mong muốn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, CĐ quận đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm trau dồi tay nghề, kiến thức cũng như phát huy tinh thần sáng tạo trong công tác của CNVC-LĐ. Trong đó, điểm nhấn là Hội thi Thợ giỏi ngành da giày. Hội thi là dịp để các thợ giày thủ công truyền thống trên địa bàn quận giao lưu, thi thố tài năng và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng tiến bộ. "Quận 4 được xem là cái nôi của ngành đóng giày truyền thống ở TP. Việc tổ chức thành công hội thi là cách CĐ quận giữ gìn bản sắc riêng cho địa phương và xa hơn nữa là tạo cơ hội rèn nghề cho NLĐ" - bà Lê Thị Diễm Ngân, Chủ tịch LĐLĐ quận 4, nhấn mạnh. Lãnh đạo LĐLĐ quận cho biết trên địa bàn vẫn còn nhiều ngành nghề truyền thống khác cần được bảo tồn, phát huy. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, ưu tiên của CĐ quận là tiếp tục duy trì nhiều sân chơi, hội thi bổ ích cho các đối tượng là thợ thủ công, NLĐ trong các ngành nghề truyền thống trên địa bàn.
Bình luận (0)