Sáng 28-12, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển". Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương - đã dự buổi lễ. Cùng tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các cán bộ Công đoàn và 60 tác giả đại diện cho 128 tác giả có sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu nhất trong chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" được tôn vinh.
Càng khó khăn càng phải thi đua
Trong chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ từ các điển hình tiên tiến được tôn vinh lần này. Anh Dương Văn Hùng, công nhân (CN) Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, là điển hình.
Với nhãn quan tinh tế, anh Hùng là người đã nhận ra và tìm được cách khắc phục các lỗi gây bẩn và xước trong công đoạn tạo màu và độ cứng cho bề mặt khung điện thoại. Nhờ cải tiến này, thời gian thao tác tháo lắp sản phẩm đã giảm 14 lần và tình trạng bẩn xước gần như được loại bỏ, giúp doanh nghiệp (DN) Samsung tiết kiệm hơn 1,3 triệu USD/năm. Đáng chú ý, cải tiến này còn có thể áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm và trở thành sáng kiến hạng nhất toàn cầu của Tập đoàn Samsung.
Còn thượng úy Lê Thị Hòa - cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an - là người sáng tạo ra chiếc áo chống sốc nhiệt cho các cán bộ, y - bác sĩ làm công tác phòng chống dịch. Vẫn chưa hết xúc động khi nhắc tới những hy sinh, gian khổ của đội ngũ tuyến đầu chống dịch giữa thời tiết nắng nóng, thượng úy Lê Thị Hòa cho rằng đây chỉ là một "sáng kiến nhỏ bé ai cũng có thể nghĩ ra", nhưng là "món quà bé nhỏ" tiếp sức cho đồng nghiệp trong lúc khó khăn nhất, thể hiện tình đoàn kết tiền tuyến - hậu phương một lòng chống dịch.
Các tác giả có sáng kiển nổi bật giao lưu tại chương trình
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" được phát động ngay sau thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vào thời điểm cả nước chung sức phòng chống Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của CNVC-LĐ cả nước, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống với tinh thần càng khó khăn càng phải thi đua, càng nhiều thách thức thì càng phải đổi mới sáng tạo. Bằng việc sử dụng nền tảng công nghệ số triển khai chương trình, sau 80 ngày thi đua cao điểm, đã có 250.177 sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra. Phần lớn các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể, với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỉ đồng. Các sáng kiến tham gia chương trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời điểm cả nước đang căng mình phòng chống dịch Covid-19. "Đây là minh chứng sinh động về sự say mê lao động, sáng tạo, tinh thần vượt khó, khát vọng cống hiến của đoàn viên, người lao động (NLĐ) cả nước, khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp CN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay" - ông Nguyễn Đình Khang nói.
Tạo bứt phá trong năng suất lao động
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: "Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc". Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nâng niu, coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sáng kiến, kinh nghiệm từ những NLĐ.
Dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trong 2 năm qua đã tác động sâu rộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và nhân dân ta. Trước tình hình đó, các cấp Công đoàn đã đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp; chia sẻ với DN, làm tốt công tác phòng chống dịch; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động và triển khai chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển", thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên, NLĐ cả nước. Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng khi được biết sau gần 3 tháng phát động, chương trình đã nhận được hơn 250.000 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực của các tác giả, nhóm tác giả, từ những trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo DN, đến các công chức, viên chức, CN sản xuất trực tiếp, chiến sĩ, lực lượng vũ trang; từ những trung tâm sáng tạo, DN lớn ở các tỉnh đồng bằng đến các cơ sở sản xuất - kinh doanh ở các tỉnh miền núi, hải đảo xa xôi. "Có nhiều sáng kiến làm lợi hàng trăm tỉ đồng và cũng có rất nhiều sáng kiến bình dị, gần gũi nhưng rất thiết thực, hiệu quả, góp phần xử lý những bất cập hằng ngày trong sản xuất, công tác, lao động, chiến đấu. Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến, ý tưởng, kinh nghiệm đều là tấm lòng, sự tâm huyết với cơ quan, DN, tổ chức Công đoàn và đất nước; là kết quả của sự tìm tòi, trăn trở, lao động hăng say của đoàn viên, NLĐ trên toàn quốc" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động Công đoàn, nhất là hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến trong đoàn viên Công đoàn, CNVC-LĐ, cùng chung sức, đồng lòng tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững; kịp thời khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tôn vinh những tấm gương tốt trong phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nên sức mạnh của đất nước, sức mạnh của dân tộc.
Bình luận (0)