Đã 2 năm nay, Nguyễn Phan Hoàng, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế TP HCM, không về quê mà ở lại TP HCM làm Tết. Năm nay, Hoàng làm phục vụ “xuyên” Tết để kiếm tiền đóng học phí. “Ngày Tết sẽ nhận tiền lương gấp đôi nên tôi cố gắng ở lại làm” - Hoàng nói.
Lương gấp đôi
Hoàng cho hay ngày thường, SV làm phục vụ bàn chỉ được trả nhiều nhất 150.000 đồng/ngày. Đến Tết, số tiền công sẽ tăng gấp đôi ngày thường vì công việc vất vả hơn. Với mức thu nhập này, nhiều SV kiếm dư tiền đóng học cho năm sau. Đây là lý do không ít bạn trẻ quyết định không về quê mà ở lại TP làm thêm. “Từ 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết, chủ quán trả cho tôi 200.000 đồng/ngày. Quán cà phê này nằm ở trung tâm TP nên khách rất đông. Nhiều khách thương SV xa nhà còn lì xì. Năm nào cũng vậy, tôi kiếm được gần 2 triệu đồng chỉ trong vài ngày Tết. Số tiền này bằng 2 tháng làm việc trong ngày thường” - Hoàng chia sẻ.
Học ngành nhà hàng - khách sạn, Trương Huỳnh Anh (19 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) cũng tranh thủ mấy ngày Tết để làm thêm cho một nhà hàng ở quận 5, TP HCM. Đây là nhà hàng sang trọng nên nhân viên thường nhận được tiền boa của khách. Đến Tết, có lúc tiền khách lì xì còn nhiều hơn tiền lương. Làm 8 giờ/ngày, chủ nhà hàng trả cho nhân viên phục vụ 150.000 đồng/người. Huỳnh Anh cho biết: “Nhìn tiền công có vẻ ít nhưng tổng thu nhập của chúng tôi không tệ hơn so với nhiều công việc làm thêm khác. Phục vụ cho khách ở phòng VIP hay tiệc tất niên, thôi nôi..., chúng tôi còn có thêm khoản tiền bồi dưỡng nếu làm tốt, hài lòng khách hàng. Có lần, tôi được khách hàng lì xì đến 500.000 đồng”.
Đòi hỏi nhiều kỹ năng
Từ nhiều năm nay, trông nhà thuê ngày Tết là một trong những việc làm thời vụ được trả lương cao nhất. Đã có không ít nam SV, bộ đội xuất ngũ, nhân viên bảo vệ chọn công việc này làm thêm trong dịp Tết. Những ứng viên có kinh nghiệm được trả lương lên đến gần 1 triệu đồng/ngày.
Phạm Văn Đông (SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho biết nhờ công việc này mà Đông kiếm được gần 3 triệu đồng trong 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Công việc không vất vả nhưng đòi hỏi người đảm nhận phải làm hết trách nhiệm, có kỹ năng giống như bảo vệ chuyên nghiệp. Chủ nhà yêu cầu ứng viên phải có lý lịch rõ ràng, sức khỏe tốt; có khả năng bảo vệ bản thân và tài sản của chủ thuê; phát hiện, đề phòng trộm cắp.
Ngày Tết, nhu cầu làm đẹp tại nhà cũng tăng cao. Nắm bắt xu thế trên, nhiều SV nữ không ngại đầu tư, mua đồ nghề để kiếm tiền. Sau 3 tháng theo học khóa đào tạo ngắn hạn, Nguyễn Hà Trang (20 tuổi, SV Trường ĐH Ngoại Thương TP HCM) tự tin hành nghề. Trang khoe: “Tối 30 Tết vẫn còn khách điện thoại cho tôi để đặt chỗ. Ngày thường, tôi lấy công khoảng 60.000 đồng/khách thì Tết sẽ tăng lên 100.000 đồng. Mỗi ngày, tôi làm cho từ 4-6 khách. Qua Tết, tôi thu hồi tiền vốn và bắt đầu có lời”.
Theo Trang, nhiều bạn học của cô cũng chọn hình thức làm việc này để thử sức. Có người đã mở rộng quy mô kinh doanh nhờ thu nhập khấm khá trong dịp cuối năm. Làm nghề này, các bạn nữ phải trang bị phương tiện đi lại, am hiểu đường sá ở TP để tránh trường hợp trễ giờ, mất uy tín với khách. Thái độ phục vụ chuyên nghiệp, tay nghề khéo léo còn giúp SV giữ “mối”, khách trả tiền công nhiều hơn thỏa thuận.
Lương tăng nhẹ
Năm nay, nhu cầu việc làm trong dịp Tết Ất Mùi không kém phần sôi động so với mọi năm. Những nghề như bảo vệ đường hoa, gói quà, bán hàng siêu thị... vẫn thu hút SV. Mức lương thời vụ Tết năm nay tăng nhẹ so với mọi năm (từ 50.000 -150.000 đồng/người/ngày).
Bình luận (0)