Tại cuộc họp báo thường niên về thị trường lao động của Tập đoàn Adecco tổ chức ở TP HCM ngày 3-2, hơn 30 giám đốc nhân sự cấp cao ở các công ty than phiền không tìm được người thay thế vị trí của mình và gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Nhiều đại biểu cho rằng đây là minh chứng cụ thể về tình trạng thiếu gay gắt nhân lực chất lượng trong năm 2015.
Gian nan tìm người
Bà Nicola Connolly - Chủ tịch Ủy ban Nguồn nhân lực của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Adecco tại Việt Nam - cho hay hiện nay và trong thời gian tới, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam khả quan hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 21%).
Tuy nhiên, số liệu này chỉ tính toán dựa trên số người đã lãnh bảo hiểm thất nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nên tình trạng thiếu hụt nhân tài sẽ tiếp tục diễn ra. Trong năm 2015, nhiều nhà tuyển dụng (NTD) tiếp tục bối rối khi nguồn cung lao động nhiều nhưng họ lại khó tuyển được nhân viên vừa ý.
“Tại cuộc khảo sát mới công bố, 62% DN Việt Nam thừa nhận gặp khó khăn trong việc tìm, tuyển người tài. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Thái Lan hay Singapore chỉ ở mức 8%-9%. Ước tính, từ năm nay, thị trường trong nước tạo ra 1,2-1,3 triệu việc làm/năm. Do đó, thị trường tuyển dụng năm nay sẽ chứng kiến sự nổi lên của các NTD trong nước. Với sự đãi ngộ ngày càng cải thiện, nhiều công ty nội địa đã và đang thu hút nhân tài trong và ngoài nước. DN đa quốc gia cũng vì thế mà cẩn trọng hơn khi tuyển và đào tạo nhân viên” - bà Nicola Connolly nhấn mạnh.
Mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cảnh báo số người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng thêm 11 triệu trong 5 năm tới. Riêng năm 2015, số lao động thất nghiệp được dự báo sẽ tăng khoảng 3 triệu người. Như vậy, thị trường lao động thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn gánh chịu “cơn lốc” khủng hoảng việc làm.
Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều lĩnh vực có nguồn cung lao động dồi dào nhưng chưa đạt chất lượng. Do vậy, DN vẫn gặp khó khăn khi tìm người giỏi. Lao động tuổi từ 15 đến 24 là nhóm chịu hậu quả nặng nề nhất do sức cạnh tranh kém.
Nguy cơ thua trên “sân nhà”
Theo bà Nicola Connolly, chuyển dịch lao động trong năm 2015 diễn ra rõ nét, mạnh mẽ ở phân khúc quản lý trẻ (tuổi 25 - 28). Tuy “nhảy” việc nhưng đối tượng này chỉ chuyển qua DN cùng lĩnh vực với công ty cũ, ít bứt phá sang ngành nghề mới.
Đáng chú ý, tháng 3-2015, cơ quan chức năng sẽ nới lỏng các quy định về quản lý, cấp giấy phép lao động. Do đó, các công ty sẽ đón thêm lực lượng lao động “ngoại”. Cụ thể, ứng viên làm nghề bác sĩ, y tá, giáo viên… ở khu vực ASEAN sẽ đến Việt Nam tìm việc. “Luồng gió mới” này giúp DN có nhiều sự chọn lựa trong tuyển dụng nhưng lao động trong nước lại thêm nguy cơ thất nghiệp. Đa số DN sẽ tuyển người và trả lương theo năng suất. Chính vì vậy, nếu ứng viên trong nước không đủ năng lực để cạnh tranh thì sẽ bị DN cho “ra rìa”.
Trước tình hình trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng các DN nên đầu tư nhiều hơn nữa cho những người thực tập. Xét về lâu dài, thực tập sinh chính là nguồn lao động chất lượng, tiềm năng. Đối với lao động cấp cao, NTD nên tìm hiểu kỹ mục tiêu nghề nghiệp bên cạnh kinh nghiệm, thành tích trước khi quyết định tuyển dụng.
Để không thua trên “sân nhà”, ngoài trang bị kỹ năng làm việc thực tế, ứng viên trẻ còn cần kiểm soát kỳ vọng nghề nghiệp. Ông Tuấn lý giải: “Nhiều bạn trẻ đặt quá nhiều kỳ vọng vào nghề nghiệp nên thường nóng vội, muốn thăng tiến nhanh. Tâm lý này vô tình làm thui chột năng lực và kiến thức thực sự khiến DN ngán ngẩm”.
Nhiều chuyên gia nhận định năm 2015, nguồn cung nhân lực ngành marketing, PR sẽ tăng nhưng nhu cầu lại giảm. Trái lại, lao động cấp cao hoạt động trong lĩnh vực sale, tài chính sẽ có nhiều “đất dụng võ” khi nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng. Riêng ngành nhân sự, cung - cầu nhân lực ở thế cân bằng.
Bình luận (0)