Tình hình kinh tế - xã hội của TP HCM năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. TP có đến hơn 15.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất với gần 150.000 lao động bị mất việc, làm việc luân phiên.
Dấu ấn chăm lo
Là đại diện cho hơn 1,4 triệu đoàn viên trên địa bàn TP, lường trước những khó khăn mà hàng chục ngàn đoàn viên, người lao động (NLĐ) sẽ gặp phải nên ngay khi đợt dịch đầu tiên bùng phát tại Việt Nam, tổ chức Công đoàn (CĐ) đã cùng với chính quyền TP kịp thời nhập cuộc, triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ.
Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cấp CĐ, ngày 7-3, LĐLĐ TP thực hiện đợt hỗ trợ đầu tiên cho 742 đoàn viên của các nghiệp đoàn giáo viên mầm non, nhóm trẻ tư thục, bảo mẫu ngoài công lập với mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người/suất. Tuy nhiên, dự đoán tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên ngày 17-3, LĐLĐ TP đã thống nhất triển khai Kế hoạch số 08 nhằm chăm lo, hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.
Việc hỗ trợ được chia làm 2 giai đoạn với các nhiệm vụ chăm lo cho NLĐ bị giảm thu nhập, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc phá sản và tăng cường thực hiện chương trình "Phúc lợi đoàn viên". Mức hỗ trợ vẫn là 1,2 triệu đồng/người/suất được trích từ nguồn ngân sách CĐ TP và cấp trên trực tiếp. Đến nay, đã có gần 20.000 đoàn viên được tiếp sức với tổng số tiền gần 24 tỉ đồng.
Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy tặng quà cho công nhân Công ty Huê Phong. Ảnh: Hoàng Triều
Không chỉ hỗ trợ trực tiếp từ nguồn kinh phí CĐ, các cấp CĐ TP còn nhanh chóng phối hợp với các đoàn thể vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng cho NLĐ đang khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhờ vậy, hàng chục ngàn gia đình công nhân sống tại 57.606 phòng trọ đã được giảm giá thuê phòng, một số trường hợp được miễn chi phí thuê trọ trong thời điểm DN tạm dừng, thu hẹp sản xuất. Hợp sức với LĐLĐ TP, tất cả CĐ cấp trên và nhiều CĐ cơ sở đã huy động mọi nguồn lực để tổ chức chăm lo cho NLĐ. Kết quả có 2.179 CĐ cơ sở tổ chức hoạt động chăm lo cho 638.495 đoàn viên, CNVC-LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống CĐ TP như Tổ chức Tài chính vi mô CEP, Báo Người Lao Động cũng đã có các chương trình chăm lo thiết thực đến hàng chục ngàn đoàn viên, NLĐ khó khăn như chương trình "CEP - Chia sẻ yêu thương", "Cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19", "ATM thực phẩm miễn phí"…
Với sự nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo của tập thể thường trực, ban thường vụ, các cấp CĐ, hoạt động CĐ TP đã được triển khai toàn diện, đạt hiệu quả, thiết thực, ý nghĩa, thể hiện rõ nét vai trò, chức năng của tổ chức CĐ trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Mạnh dạn thay đổi
Dịch bệnh không chỉ tác động đến đời sống, việc làm của NLĐ mà còn tác động trực tiếp đến hoạt động CĐ, làm thay đổi mạnh mẽ phương pháp tổ chức hoạt động phong trào của tổ chức CĐ, thay đổi tư duy trong hoạt động chăm lo từ cách tiếp cận đối tượng đến chọn lựa đối tượng để chăm lo.
Nếu như trước đây, hoạt động của CĐ tập trung cho việc tổ chức sự kiện lớn thì nay hầu hết được đưa về cơ sở để NLĐ được tiếp cận nhiều hơn, hưởng lợi nhiều hơn mà vẫn bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, đối tượng chăm lo cũng được mở rộng, thay vì chú trọng hỗ trợ nhóm NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động hay bệnh hiểm nghèo… như trước thì nay các cấp CĐ tập trung chăm lo cho số đông NLĐ mất việc, giảm lương, nhóm lao động đặc thù của các ngành nghề đặc thù như nghiệp đoàn, giáo viên mầm non ngoài công lập...
Lãnh đạo LĐLĐ của 5 TP trực thuộc trung ương tham quan tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM).ảnh: Hoàng Triều
Tổ chức CĐ TP cũng đã mạnh dạn "số hóa" một cách hiệu quả cách thức phổ biến, tiếp cận các văn bản pháp luật, quy định của tổ chức CĐ thông qua hệ thống các fanpage, website, các kênh thông tin mà tổ chức CĐ hiện có. Một ví dụ cụ thể là hội thi tìm hiểu "An toàn vệ sinh viên giỏi" cấp TP, dù được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trên Báo Người Lao Động điện tử nhưng đã thu hút hơn 73.000 lượt đoàn viên tham gia.
Có thể thấy, khi tình hình thay đổi thì hoạt động CĐ cũng linh hoạt thay đổi để phù hợp. Đây cũng là định hướng cho hoạt động CĐ trong tương lai là hướng về cơ sở, tạo sức bật cho cơ sở, không tốn kém quá nhiều chi phí cho công tác tổ chức mà tập trung nguồn lực để chăm lo cho con người.
Tin ở tương lai
Năm 2021 là thời điểm Bộ Luật Lao động 2019 với nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến NLĐ bắt đầu có hiệu lực, trong đó nhấn mạnh vai trò và trọng trách của tổ chức đại diện cho NLĐ trong vấn đề thương lượng để xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của tổ chức CĐ là đào tạo một đội ngũ cán bộ CĐ giỏi, nhiệt huyết, đủ bản lĩnh.
Thực hiện nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam và Nghị quyết Đại hội CĐ TP, Ban Chấp hành LĐLĐ TP đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ CĐ chủ chốt cũng như kế hoạch bồi dưỡng cán bộ CĐ cơ sở. Trong năm 2021, LĐLĐ TP sẽ tổ chức đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ công tác CĐ phù hợp với đặc điểm và tình hình của TP HCM, đặc biệt là cho nhóm cán bộ CĐ được quy hoạch các chức danh chủ chốt, đồng thời đào tạo các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ CĐ trong hệ thống. Để giải quyết khó khăn về vấn đề nhân sự làm công tác tài chính, được sự chấp thuận của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP đang xây dựng đề án thí điểm thuê kế toán tại các đơn vị đông CĐ cơ sở như LĐLĐ quận 1, CĐ các KCX-KCN TP…
Bà Lê Thị Song (ngụ tỉnh Đồng Nai) xúc động khi được lãnh đạo Tổ chức Tài chính vi mô CEP tặng quà và thẻ bảo hiểm y tế ảnh: Thanh Nga
Về các hoạt động chăm lo cho NLĐ, năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống, việc làm của NLĐ tiếp tục bị ảnh hưởng. Vì vậy, LĐLĐ TP sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch 08 để đồng hành, hỗ trợ đoàn viên bị mất việc hoặc giảm thu nhập, giúp họ vượt qua khó khăn. Ngoài ra, CĐ TP cũng đang có kế hoạch triển khai nhiều chương trình phúc lợi mới cho đoàn viên. Cụ thể là chương trình "Học bổng CĐ" nhằm hỗ trợ chi phí học tập cho đoàn viên muốn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chương trình lắp đặt các điểm wifi miễn phí phục vụ nhu cầu truy cập internet, tìm hiểu thông tin của NLĐ; chương trình nghỉ dưỡng và chăm sóc dành cho đoàn viên bị bệnh nghề nghiệp…
Riêng các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu, LĐLĐ TP tiếp tục duy trì thực hiện các chương trình lớn, có sức lan tỏa và mang đậm dấu ấn của tổ chức CĐ TP như chương trình "Tấm vé nghĩa tình" dự kiến trao tặng 35.000 vé tàu, xe, máy bay cho đoàn viên; chương trình "Tết sum vầy" họp mặt và chăm lo cho khoảng 4.000 gia đình khó khăn; chương trình "Phiên chợ nghĩa tình"…
Điểm mới của chương trình chăm lo Tết năm nay là nhiều hoạt động lớn sẽ được tổ chức tại cơ sở với sự đầu tư về quy mô lẫn chất lượng để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên và gia đình họ. Mặt khác, dịch bệnh khiến tình hình khó khăn kéo dài nên dự kiến Tết nguyên đán năm nay sẽ có đông công nhân không về quê mà ở lại TP. Do đó, bên cạnh các chương trình chăm lo về vật chất lẫn tinh thần của các cấp CĐ, LĐLĐ TP cũng đề xuất TP hỗ trợ để NLĐ có điều kiện được tham quan các địa điểm vui chơi dịp Tết như Công viên Văn hóa Đầm Sen, Hội Hoa Xuân, Khu Du lịch Suối Tiên…
Thanh Nga ghi
Khẳng định uy tín của tổ chức Công đoàn
Có thể khẳng định trong suốt quá trình hình thành và phát triển 91 năm qua, tổ chức CĐ TP HCM đã không ngừng thay đổi, làm mới mình để phù hợp với từng giai đoạn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đoàn viên và là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, NLĐ.
Điển hình như trong năm 2020, dù có nhiều khó khăn, CĐ TP vẫn phát triển thêm 132.322 đoàn viên, đạt tỉ lệ 114,07% so với chỉ tiêu đề ra. Điều đó một lần nữa khẳng định uy tín của tổ chức CĐ.
Bình luận (0)