Dịch COVID-19 đã qua nhưng bà Nguyễn Thị Dung (chủ nhà trọ trên Đường số 3, khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn giữ thói quen đến từng phòng để thăm hỏi tình hình việc làm, thu nhập của công nhân (CN). Với các trường hợp khó khăn do mất việc, giảm giờ làm, bà sẵn lòng giảm tiền thuê nhà nhằm san sẻ khó khăn. Với nhiều gia đình CN ở đây, bà như người mẹ thứ 2 của họ.
Giúp được gì thì giúp
Hơn 25 năm trước, việc nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn Thủ Đức liên tục đi vào hoạt động kéo theo nhu cầu sử dụng lao động rất lớn. Tận dụng mảnh đất trống của gia đình, vợ chồng bà Dung đầu tư xây một dãy nhà trọ với 25 phòng cho CN thuê cho đến nay.
Khi dịch COVID-19 bùng phát khiến các doanh nghiệp đóng cửa, số đông CN ở trọ lâm cảnh khó khăn vì mất việc làm và thu nhập. Chia sẻ với họ, bà Dung giảm 50% tiền thuê phòng. Lúc đỉnh dịch, vợ chồng bà quyết định miễn phí tiền thuê phòng.
Bà Dung còn thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm cho CN. Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND phường Hiệp Bình Chánh và các đoàn thể, bà đứng ra vận động các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, thịt, cá… cho CN khu trọ. Khu nhà trọ của bà trở thành điểm tập kết hàng hóa và phân phối hỗ trợ CN. Dù công việc vất vả và đối diện nhiều rủi ro song vợ chồng bà vẫn nỗ lực hết mình. Nhờ vậy, nhiều gia đình CN có thêm động lực để chống chọi với dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thụy Út (bên trái) thăm hỏi công nhân ở trọ
Khi dịch COVID-19 được khống chế, hiểu khó khăn của CN vẫn còn, bà Dung giữ nguyên giá thuê phòng (600.000 - 650.000 đồng/tháng). Với các trường hợp ốm đau, hữu sự, bà sẵn lòng cho mượn tiền, khi nào có thì trả. Với những CN quá khó khăn, như trường hợp chị Trần Thị Vĩnh (tạp vụ của một công ty tư nhân) mượn tiền đóng học phí cho con, bà cho luôn.
Chăm sóc CN hết lòng nên bà Dung luôn được mọi người ở khu trọ quý mến. Vì thế, có CN thuê trọ từ khi còn độc thân, nay con cái đề huề vẫn tiếp tục gắn bó.
Một năm trở lại đây, do mất việc nên nhiều CN trả phòng về quê, khu trọ của bà Dung vì thế vắng vẻ hẳn. Mất đi một khoản thu nhập không nhỏ nhưng bà không buồn. "Tôi chỉ lo các em, các cháu bị mất việc, thiếu việc, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Trong khả năng của mình, giúp được gì thì tôi giúp" - bà bày tỏ.
Xem như người thân
Một phụ nữ có tấm lòng thơm thảo khác là bà Nguyễn Thụy Út (chủ khu nhà trọ trên đường Quang Trung, khu phố 6, phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM). Gia đình bà bắt đầu xây phòng trọ cho thuê từ năm 2000. Gần gũi CN nên bà hiểu rất rõ hoàn cảnh từng người, từ đó chăm sóc họ hết mực.
Vào dịp Tết Nguyên đán, bà Út đều tặng quà cho các phòng (300.000 đồng/phòng). Ngày rằm tháng 7, bà vận động các nhà hảo tâm tặng 100 thùng mì cho CN ngoại tỉnh...
Nhắc đến bà Út, nhiều CN rất cảm kích bởi bà luôn xem họ là người thân và tận tình giúp đỡ. Mới đây, bà đích thân đến một bệnh viện vận động phẫu thuật cho CN ở trọ bị sứt môi, hở hàm ếch. Trân quý tấm lòng của bà, giám đốc bệnh viện không những miễn toàn bộ chi phí phẫu thuật mà còn tặng quà cho CN. "Thấy các em, các cháu lành lặn, sống tốt, tôi cũng vui lây" - bà bộc bạch.
Là chủ cơ sở giày da Trung Cường, bà Út đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho những người nghèo xa quê. CN của xưởng giày được cơ sở cung cấp chỗ ở miễn phí và 2 bữa ăn/ngày, hỗ trợ điện, nước đầy đủ. Mấy tháng gần đây, việc kinh doanh giày da khó khăn, bà và các thành viên gia đình xoay qua mua cá kiểng ở Thái Lan về ươm bán để tạo việc làm cho CN của cơ sở.
"Dãy nhà trọ có 5 phòng trống, gia đình tôi dùng 5 phòng đó để nuôi cá. Giờ khó khăn quá, phải tìm cách xoay xở để các em, các cháu có việc làm. Nếu không có thu nhập thì CN rất khó khăn" - bà Út đồng cảm.
Bình luận (0)