Những năm qua, công tác dạy nghề cho người lao động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề ngày càng phát triển và góp phần quan trọng trong đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động ở đây.
Thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Tây Nguyên, đến nay tổng số cơ sở dạy nghề trên toàn vùng là hơn 160 cơ sở, gồm các trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề…
Cùng với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được các tỉnh Tây Nguyên triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ đó, những năm gần đây, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước đổi thay đáng kể. Hàng nghìn lao động ở vùng nông thôn, không những được giải quyết việc làm mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nghề dệt thổ cẩm của người Bana ở Kon Tum được đào tạo, truyền dạy cho nhiều thanh niên địa phương (ảnh: baokontum.com.vn)
Tại buôn Ia Kờ-tun, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), gia đình bà H’Rếch Niê trước đây là hộ nghèo. Năm 2013, người con lớn của bà H’Rếch sang Malaysia làm việc và gửi tiền về giúp đỡ gia đình thường xuyên. Nhờ đó, đến nay gia đình bà H’Rếch đã thoát cảnh đói nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Vui vẻ trao đổi với chúng tôi, bà H’Rếch Niê bộc bạch: "Con gái mình đi xuất khẩu lao động gửi tiền về để sửa sang lại căn nhà này. Trước đây khó khăn quá nhà ở dột nát, cứ có mưa gió là nước lênh láng đầy nhà. Nhờ số tiền 70 triệu đồng do con gái từ nước ngoài gửi về, mình đã làm lại căn nhà khang trang, ấm cũng. Mới đây, con giái lại gửi tiếp tiền về để mình mua thêm 2 sào đất mà sản xuất".
Cũng như con gái bà H’Rếch Niê, anh A Non, xã Đăk Rơ Ngan, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) cũng đã sang Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động. Sau thời gian gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh A Non đã gửi về được hơn 400 triệu đồng để ba mẹ xây căn nhà khá kiên cố. Ngoài ra, khi về nước anh còn dành dụm được khoảng 450 triệu đồng và đầu từ phát triển kinh tế gia đình. Hiện cuộc sống gia đình anh khá ổn định và có của dư.
Anh A Non cho biết, làm việc ở Hàn Quốc, bình quân mỗi tháng anh có thu nhập từ 30 đến 35 triệu đồng. "Từ khi em được đi xuất khẩu lao động, cuộc đời em thay đổi hẳn. Nếu em ở nhà chắc em không có được thu nhập hàng tháng như vậy. Cũng nhờ đi xuất khẩu lao động mà em mới giúp gia đình làm được cái nhà. Khi về lại quê, từ số tiền tích lũy được trong quá trình đi nước ngoài làm việc, em đã đào ao nuôi cá, làm được khu vườn theo mô hình VAT này"- anh A Non cho biết thêm.
Có thể nói, trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo ở Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này, hàng năm Sở phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động, nhất là thanh niên vùng nông thôn đi xuất khẩu lao động để có thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Nhờ tập trung đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giờ đã có cơ hội thoát nghèo, nhiều gia đình trở nên khá giả nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động.
Phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk triển khai
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về xuất khẩu lao động của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015 -2020, hàng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị xuất khẩu lao động nhằm tháo gỡ khó khăn, trên cơ sở đó giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động về từng địa phương..
"Để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cũng như các tỉnh khác ở Tây Nguyên, Kon Tum đã tập trung vào việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, ưu tiên định hướng và giới thiệu việc làm cho người nghèo trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm; tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động có nhu cầu; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo"- bà Nguyễn Thị Nga thông tin thêm.
Trong khi đó, đánh giá về hiệu quả công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động tại Tây Nguyên, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, từ việc thực hiện chính sách ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn miền núi, tại Tây Nguyên với sự tham gia của các trường nghề; đồng thời bám theo sự phát triển của doanh nghiệp để đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tạo công việc làm cho bà con các địa phương. Đặc biệt, thực hiện " Đề án 1956", từ năm 2017 đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho khoảng 680.000 người. Trong thời gian tới, Tây Nguyên tiếp tục phấn đấu có 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; ưu tiên, hỗ trợ để lao động có tay nghề tham gia xuất khẩu lao động (mỗi năm khoảng 1.000 người…).
Từ hiệu quả đào tạo nghề và tạo điều kiện để người dân tham gia xuất khẩu lao động, đến nay nhiều người dân ở Tây Nguyên không những kinh tế được cải thiện mà thông qua đó, việc xuất khẩu lao động đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại Tây Nguyên trong những năm gần đây.
Bình luận (0)