Ngoài thay nhau nghỉ để trông con, nhiều CN buộc lòng gửi con ở những nhóm giữ trẻ tự phát.
Bùng phát nhóm trẻ tự phát
Trong vai người tìm chỗ gửi con, chúng tôi được giới thiệu đến gặp bà N.T.H - một người chuyên giữ trẻ tại phường An Phú, TP Thuận An.
Trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 12 m2, bà H. đang giữ 4 đứa trẻ trên 2 đến 5 tuổi. Tại đây, chúng tôi chứng kiến ngoài được cho ăn uống, các cháu chỉ quanh quẩn chơi với nhau và chờ ba mẹ tan ca đến đón. Biết chúng tôi có ý định gửi con, bà H. vồn vã trả lời: "Cháu được mấy tuổi? Ở đây tôi nhận trông trẻ giá từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu gửi theo ngày thì giá 60.000 đồng/cháu/ngày, gửi tăng ca thì thêm 10.000 đồng/cháu/giờ". Lấy cớ nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, tôi từ chối khéo bà H. Đáp lại, bà H. bĩu môi: "Tôi đố anh kiếm được chỗ gửi con trong mùa dịch. Mấy trường nhà nước đóng cửa hết rồi". Điểm giữ trẻ của bà H.T.T (phường Thuận Giao, TP Thuận An) cũng có diện tích tương tự và có 4 bé là con CN (từ 3 - 5 tuổi) được gửi ở đây. Bà T. cho biết trước đó, bà từng làm nghề giữ trẻ nhưng đã nghỉ việc. Gần 1 tháng nay, thấy CN tìm chỗ gửi con nên bà cho dọn dẹp vệ sinh phòng trọ và nhận giữ trẻ với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/cháu/ngày.
Tìm đến khu nhà ở xã hội Hòa Lợi (thị xã Bến Cát), nơi có đông CN ở KCN Việt Nam - Singapore II và Đồng An II sinh sống, chúng tôi thấy nhiều tờ quảng cáo nhận giữ trẻ tại nhà được treo, dán khắp nơi. Theo số điện thoại liên lạc, chúng tôi tìm đến gặp bà T.T.T, chủ nhà trọ đang trông 3 cháu là con CN. Bà T. cho biết đang nhận giữ trẻ với giá 100.000 đồng/ngày, đã bao gồm tiền ăn trưa, bữa phụ buổi chiều và dạy chữ…
Một điểm giữ con công nhân tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương
Phát sinh chi phí sinh hoạt
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều nữ CN rất lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là khi thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài ảnh hưởng đến công ăn việc làm.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Vũ Thị Hải - quê Quảng Bình, CN Công ty TNHH Fotai Việt Nam (TP Thủ Dầu Một) - cho biết đã tính đến phương án nhờ ông bà nội ngoại vào trông cháu để hai vợ chồng yên tâm đi làm. Tuy nhiên ở quê, ông bà hai bên cũng đang phải trông các cháu - con của các anh chị. Hết cách, vợ chồng chị buộc lòng gửi con cho một người quen ở khu trọ chăm sóc để có thể đi làm. "Chi tiêu hằng ngày trông cả vào lương, do vậy việc phát sinh khoản tiền gửi trẻ khiến cuộc sống chúng tôi thêm khó khăn. Gửi trẻ cho người không có chuyên môn chăm sóc chúng tôi rất lo nhưng thực sự không còn cách nào khác" - chị Hải bộc bạch. Nỗi niềm của chị Hải cũng là nỗi niềm chung của hàng ngàn CN xa quê đến Bình Dương làm việc trong thời điểm này.
Trước tình thế khó khăn ấy của CN, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có chính sách hỗ trợ rất thiết thực. Điển hình như Công ty CP May mặc Bình Dương (TP Thuận An) hỗ trợ chi phí gửi con cho CN trong thời gian nghỉ học. Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết công ty đã cho hơn 200 cháu là con CN đang theo học ở trường mẫu giáo của DN tạm thời nghỉ học. "Ngoài việc bố trí cho cha hoặc mẹ luân phiên nghỉ phép năm để ở nhà trông con, công ty còn hỗ trợ 400.000 đồng/cháu/tháng. Riêng 20 giáo viên của trường tạm thời nghỉ dạy nhưng vẫn được hưởng nguyên lương" - ông Kiệt nói.
Vận động DN chia sẻ khó khăn
Tại hội nghị giao ban do LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức sáng 20-2, nhiều CĐ cơ sở phản ánh tình trạng khan hiếm nguồn cung khẩu trang y tế, do đó rất khó mua để cấp phát cho người lao động (NLĐ). Hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN bị ảnh hưởng do CN phải nghỉ ở nhà trông con... "Các cấp CĐ cần tiếp tục nắm chắc tình hình DN, đời sống của NLĐ do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó chủ động đề xuất các cấp, các ngành chức năng có giải pháp kịp thời tháo gỡ, ổn định đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, cần tư vấn chủ DN bố trí cho CN nghỉ phép năm hợp lý cũng như có chính sách hỗ trợ tiền giữ trẻ" - bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, lưu ý.
Bình luận (0)