Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 kéo dài đã tác động trực tiếp đến tình hình lao động và việc làm tại các địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) bị phá sản, giải thể, tạm dừng, thu hẹp hoạt động...
Hàng triệu lao động bị mất việc làm, cắt giảm thu nhập
Về tình hình lao động - việc làm quý III và 9 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết dịch Covid-19 đã khiến thị trường lao động đối mặt tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động mất việc làm, bị cắt giảm thu nhập. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,8 triệu người, tăng 700.000 người so với quý trước và tăng 620.000 người so cùng kỳ năm trước. Đây là số người thiếu việc làm cao nhất trong vòng 10 năm qua. Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng, thậm chí làm tê liệt những thị trường lao động sôi động bậc nhất cả nước như: TP HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội...
Hơn 8,5 triệu lao động đã được hỗ trợ hơn 20.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9-2021 cho thấy trung bình có 90,8% DN giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Trong đó, khoảng 92% DN quy mô lớn báo cáo tình trạng cho người lao động (NLĐ) thôi việc; tỉ lệ này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%. Theo giới chuyên môn, thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã chứng minh hiệu quả với NLĐ trong thời điểm gặp khó khăn, mất việc làm vì dịch Covid-19. Với những khoản hỗ trợ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, BHTN đã tạo điều kiện, góp phần giúp hàng trăm ngàn NLĐ được trợ cấp, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Là một trong các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động, ông Vũ Tiến Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh - cho biết sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lượng hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi về trung tâm khá nhiều. Bình thường trước đây mỗi tháng trung tâm chỉ tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ giải quyết BHTN, thời gian qua, con số này tăng rất nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lao động đến làm các thủ tục liên quan.
Hơn 27.000 tỉ đồng đã được chi hỗ trợ
BHXH Việt Nam cho biết sau 1 tháng thực hiện Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN, đến nay hơn 27.000 tỉ đồng trong tổng số khoảng 38.000 tỉ đồng của gói hỗ trợ đã được giải ngân. Đến nay, hơn 8,5 triệu lao động đã được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 20.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia lao động, gói hỗ trợ 38.000 tỉ đồng lần này có tính khả thi cao so với các gói hỗ trợ Covid-19 trước đây (gói 26.000 tỉ đồng và gói 62.000 tỉ đồng) với nhiều ưu điểm, dễ triển khai thực hiện. Đây là sự vận dụng mang tính nhân văn, kịp thời, giúp NLĐ và DN sớm vượt qua hậu quả của đại dịch. Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết việc giải quyết hồ sơ và chi hỗ trợ từ Quỹ BHTN vẫn đang được BHXH các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh việc giải quyết nhanh cho những NLĐ đang bảo lưu đóng BHTN, BHXH địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động rà soát, bổ sung thông tin (số tài khoản ATM, số điện thoại) để chi trả được chính xác, kịp thời.
Trước đó, BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành việc thông báo giảm đóng BHTN từ 1% xuống 0% cho 363.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu NLĐ và số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022) khoảng 7.595 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết việc thực hiện hỗ trợ NLĐ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP của cơ quan BHXH bảo đảm tiến độ đã đề ra. Dự kiến đến hết ngày 15-11, ngành BHXH sẽ cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ đối với NLĐ. Giới chuyên môn nhận định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng triệu NLĐ bị mất việc, ngừng việc, chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp NLĐ ổn định cuộc sống. Ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết bên cạnh việc được hưởng trợ cấp, chính sách BHTN cũng giúp NLĐ có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới phù hợp hơn cho bản thân.
Dùng Quỹ BHTN hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp
Mới đây, thảo luận về các chính sách liên quan đến chế độ BHXH quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 và việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 vào chiều 27-10, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục có các chính sách mạnh hơn để hỗ trợ NLĐ, trong đó cần tăng chi các quỹ có kết dư lớn. Một số đại biểu cho biết Quỹ BHTN hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ, còn các chế độ thất nghiệp khác như giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo... chiếm tỉ lệ thấp. Do đó, nên dùng Quỹ BHTN để hỗ trợ trực tiếp cho DN và NLĐ theo 2 hướng: giảm mức đóng từ 1% còn 0,5% và dành một phần nguồn lực hỗ trợ cho cả DN và NLĐ đã tham gia đóng quỹ.
Bình luận (0)