Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị lần này, các ủy viên Đoàn Chủ tịch sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 22 vấn đề quan trọng của tổ chức Công đoàn (CĐ). Những nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến là: Kế hoạch triển khai phong trào "Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả" trong hoạt động CĐ; Đề án thành lập Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật; Chương trình nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động giai đoạn 2018-2023.
Góp ý cho Đề án thành lập Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng sức ép sau khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với tổ chức CĐ là không nhỏ. Do đó, vai trò của Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật là rất cần thiết và cần phải có đội ngũ luật sư am tường về pháp luật lao động, CĐ để phục vụ công tác tư vấn chính sách, pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Góp ý về các chỉ tiêu trong chương trình Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động giai đoạn 2018-2023, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhấn mạnh đặc thù mỗi địa phương rất khác nhau do vậy, các chỉ tiêu cũng không thể giống nhau. "TP HCM có hơn 1,3 triệu đoàn viên CĐ. Nếu căn cứ theo chỉ tiêu trong chương trình, thì phải rất lâu nữa chúng tôi mới đạt được, chứ trong một nhiệm kỳ 5 năm rất khó" - bà Thúy cho biết. Theo Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, các tổ chức CĐ nhỏ có dưới 10 đoàn viên chiếm một số lượng lớn (khoảng 25%), do đó chỉ tiêu liên quan đến việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, hội nghị người lao động hay những vấn đề khác cũng rất khó thực hiện.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết căn cứ các ý kiến đóng góp của các ủy viên Đoàn Chủ tịch, Thường trực sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo, đề án.
Bình luận (0)